Đánh giá sự tương thích của dự thảo Luật bảo hiểm xã hội (sửa đổi) so với Công ước số 102 của Tổ chức lao động quốc tế về an sinh xã hội (tiêu chuẩn tối thiểu)
i
Đặt vấn đề
Công ước số 102 của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) là văn bản xác định các chế độ an sinh cơ bản tối thiểu bao gồm chế độ chăm sóc y tế; trợ ốm đau; trợ cấp thất nghiệp; trợ cấp hưu trí; trợ cấp tai nạn lao động; trợ cấp gia đình/trẻ em; trợ cấp thai sản; trợ cấp khuyết tật và trợ cấp tử tuất. Văn bản này được coi là chuẩn mực quốc tế để các quốc gia trên thế giới xây dựng hệ thống an sinh xã hội (ASXH) nhằm nỗ lực bảo đảm các chế độ/trợ cấp được đề cập trong Công ước số 102 đến từng người dân, thúc đẩy hơn nữa sự gắn kết và hòa nhập xã hội, bình đẳng và công bằng xã hội, cũng như phát triển kinh tế và xã hội bền vững.
Trong các chế độ của ASXH, BHXH được xác định là trụ cột, góp phần ổn định cuộc sống của NLĐ khi họ gặp rủi ro; phân phối lại thu nhập giữa các tầng lớp dân cư và người lao động, đồng thời giảm chi cho ngân sách nhà nước, bảo đảm ASXH bền vững. Hiện nay, Việt Nam đang trong tiến trình rà soát, sửa đổi Luật BHXH năm 2014, dự kiến thông qua vào tháng 5/2024. Do đó, việc nghiên cứu tính tương thích giữa pháp luật Việt nam và Công ước số 102 (1952) nhằm rà soát, đánh giá các quy định của pháp luật hiện hành về BHXH; phát hiện các diểm tương đồng và đánh giá các điểm tương đồng và khoảng trống hệ thống pháp luật của Việt Nam so với Công ước số 102 là cần thiết. Ngoài ra, bài nghiên cứu cũng đưa ra các nhận định và khuyến nghị về khả năng phê chuẩn Công ước số 102 của Việt Nam.
- Khái quát chung về Công ước số 102 của Tổ chức lao động quốc tế về an sinh xã hội (tiêu chuẩn tối thiểu)
Công ước số 102 (1952) về ASXH (Tiêu chuẩn tối thiểu), là một bộ công cụ pháp lý có ý nghĩa cụ thể đối với quyền con người được đảm bảo an sinh xã hội[1]. Công ước bao gồm 87 điều (không tính phụ lục) được Hội nghị Lao động quốc tế thông qua tại Phiên họp thứ 35 vào ngày 4 tháng 6 năm 1952. Công ước số 102 của ILO quy định các mức độ bảo vệ tối thiểu cần được đảm bảo liên quan đến diện bao phủ, mức độ đầy đủ của các quyền lợi, điều kiện được hưởng và thời hạn đối với chín độ thường được gọi là các nhánh/chế độ của hệ thống ASXH quốc gia bao gồm: Chế độ chăm sóc y tế; trợ ốm đau; trợ cấp thất nghiệp; trợ cấp hưu trí; trợ cấp tai nạn lao động; trợ cấp gia đình/trẻ em; trợ cấp thai sản; trợ cấp khuyết tật và trợ cấp tử tuất. Văn bản này đưa ra một khuôn khổ cho việc mở rộng hệ thống ASXH. Công ước số 102 đưa ra các tiêu chuẩn cơ sở (tối thiểu) liên quan đến các thông số khác nhau của các chương trình đóng/ hưởng hoặc các chương trình không đóng góp mà được thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước.
Công ước số 102 cho phép các quốc gia phê chuẩn mở rộng phạm vi bao phủ ASXH bằng cách đưa ra sự linh hoạt trong việc áp dụng, tùy thuộc vào trình độ kinh tế – xã hội. Đối với tất cả 9 chế độ được đề cập, các mục tiêu tối thiểu của Công ước xác định đến tỷ lệ phần trăm dân số được bảo vệ bởi các chương trình ASXH, mức phúc lợi tối thiểu cần đảm bảo cho những người được bảo vệ cũng như các điều kiện và thời gian được hưởng. quyền được hưởng các quyền lợi. Công ước số 102 không quy định cách thức đạt được những mục tiêu này nhưng cho phép sự linh hoạt nhất định cho quốc gia thành viên thông qua các kế hoạch phổ quát; các chương trình bảo hiểm xã hội có các thành phần liên quan đến thu nhập hoặc tỷ lệ cố định (hoặc cả hai) và các chương trình an sinh xã hội.
Công ước số 102 quy định rằng các chương trình an sinh xã hội được quản lý trên cơ sở ba bên, đảm bảo và tăng cường đối thoại xã hội giữa Chính phủ, người sử dụng lao động và người lao động. Công ước số 102, cùng với Khuyến nghị số 202 đóng vai trò trung tâm trong việc đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững (Sustainable Development Goals – SDG số 01 và 03[2]. Sự tham gia của các đối tác xã hội giúp đảm bảo các chính sách an sinh xã hội là hợp pháp, công bằng và phù hợp với nhu cầu thực tế cũng như ưu tiên của người lao động và người sử dụng lao động. Công ước số 102 góp phần xây dựng nền văn hóa đối thoại xã hội đặc biệt hữu ích trong thời kỳ khủng hoảng. Khi phê chuẩn, các chính phủ sẽ bị ràng buộc về mặt pháp lý bởi các điều khoản của Công ước. Ở những quốc gia chưa phê chuẩn, Công ước phải đóng vai trò là khuôn khổ hướng dẫn cho các chính phủ khi xây dựng chính sách và pháp luật an sinh xã hội. Về vấn đề này, các tổ chức của người lao động có thể dựa vào Công ước để nhắc nhở các Quốc gia thành viên về cam kết mà họ đã thực hiện tại ILC khi thông qua Công ước 102.
Hiện nay, có 60 quốc gia hiện đã phê chuẩn Công ước số 102. Quốc gia gần nhất phê chuẩn là Paraguay (25 tháng 10 năm 2021). Ngoài ra, một số quốc gia khác đã phê chuẩn Bộ luật An sinh xã hội Châu Âu, được mô phỏng theo Công ước số 102 nhưng mang lại mức phúc lợi cao hơn[3]. Năm 2012, Khuyến nghị số 202 về Sàn an sinh xã hội mới được thông qua đã công nhận vai trò then chốt của Công ước số 102 An sinh xã hội (Tiêu chuẩn tối thiểu) và kêu gọi các Quốc gia Thành viên ILO phê chuẩn Công ước này càng sớm càng tốt. Do đó, Cơ quan Điều hành của ILO đã đồng ý đặt mục tiêu tăng số lượng phê chuẩn Công ước số 102 từ 47 lên 60. Trong thập kỷ qua, ILO đã chủ động hỗ trợ một số lượng đáng kể các quy trình quốc gia nhằm khuyến khích các nước phê chuẩn Công ước. Kết quả là 13 quốc gia đã phê chuẩn văn bản này trong 10 năm qua: Argentina (2016), Benin (2019), Cabo Verde (2020), Chad (2015), Cộng hòa Dominica (2016), Honduras (2012), Jordan (2014) ), Maroc (2019), Paraguay (2021), Liên bang Nga (2019), Saint Vincent và Grenadines (2015), Togo (2013) và Ukraine (2016). Vào tháng 6 năm 2021, Hội nghị Lao động Quốc tế đã tổ chức cuộc thảo luận định kỳ lần thứ hai về an sinh xã hội, trong đó nhấn mạnh sự cần thiết phải xây dựng các hệ thống an sinh xã hội phổ quát theo tiêu chuẩn của ILO, tái khẳng định nhiệm vụ và vai trò lãnh đạo của ILO trong hệ thống ASXH đa phương và kêu gọi ILO đẩy nhanh các nỗ lực đang diễn ra nhằm thúc đẩy Công ước thông qua một chiến dịch phê chuẩn mới.
Riêng đối với quy định về quyền lợi và mức hưởng tối thiểu, Điều 3 công ước quy định ngoại lệ khi nếu các nước thành viên mà nền kinh tế và các phương tiện y tế chưa phát triển đủ mức thì có thể, và trong bất kỳ thời hạn nào mà cơ quan có thẩm quyền thấy cần thiết, bằng một bản tuyên bố kèm theo văn bản phê chuẩn, bảo lưu việc sử dụng những ngoại lệ tạm thời được nêu trong những Điều sau đây: 9e); 12(2); 15đ); 18(2); 21c); 27đ); 34(3); 42đ); 48c); 55đ); và 61đ). Mọi Nước thành viên có bản tuyên bố theo điều này, trong báo cáo hàng năm về tình hình áp dụng Công ước khi nói về mỗi ngoại lệ mà mình bảo lưu việc sử dụng, thì phải cho biết a) những lý do của các ngoại lệ đó; b) thời điểm nhất định chấm dứt việc thực hiện các ngoại lệ đó.
Chế độ ASXH | Phạm vi điều chỉnh | Đối tượng được bảo vệ | Quyền lợi và mức hưởng tối thiểu | Thời hạn hưởng | Điều kiện hưởng |
Chăm sóc y tế | – Tình trạng cần được chăm sóc y tế có tính chất phòng ngừa hoặc chữa bệnh (Điều 7 C 102)
– Bất kỳ tình trạng bệnh tật nào, bất kể nguyên nhân của nó, cũng như việc mang thai và sinh nở và hậu quả của chúng (Điều 8 C 102) |
ít nhất 50% người làm công ăn lương và cả vợ, con của họ; hoặc ít nhất 20% số lượng NLĐ tham gia lao động thường trú trong nước và vợ, con của họ; hoặc ít nhất chiếm 50% toàn bộ những người thường trú trong nước.
Trong trường hợp áp dụng bản tuyên bố quy định tại điều 3 (áp dụng đối với các nước mà hệ thống y tế chưa phát triển) thì phạm vi áp dụng chăm sóc y tế chiếm ít nhất 50% NLĐ làm việc trong các cơ sở công nghiệp đang sử dụng 20 người trở lên, cùng với vợ, con của họ |
– Trường hợp sức khỏe yếu: chăm sóc bác sĩ đa khoa, chăm sóc chuyên khoa tại bệnh viện, thuốc, vật tư thiết yếu; nhập viện nếu cần thiết.
– Trong trường hợp mang thai, sinh nở và hậu quả của chúng: trước khi sinh, sinh nở và chăm sóc sau sinh bởi các bác sĩ và người hộ sinh có trình độ; nhập viện nếu cần thiết. |
Thời gian hưởng được áp dụng đến khi tình trạng bệnh tật, mang thai, sinh nở và những hậu quả của chúng vẫn còn tồn tại.
Trong từng trường, thời gian hưởng có thể giới hạn trong 26 tuần/lần điều trị. Đối với các quốc gia thành viên áp dụng Điều 3 thì thời gian hưởng BHYT có thể giới hạn ở mức 13 tuần/lần điều trị |
Người được bảo vệ đã thực hiện việc đóng góp vào quỹ tài chính trong một thời gian nhất định khi cần thiết để ngăn chặn lạm dụng. |
Ốm đau | Không có khả năng làm việc do bệnh tật dẫn đến đình chỉ thu nhập | – Ít nhất 50% tổng số người lao động; hoặc- Dân số hoạt động kinh tế chiếm ít nhất 20% tổng dân số; hoặc- Tất cả cư dân với phương tiện hạn chế | 45% mức lương tham khảo | Quyền lợi phải được cấp ít nhất 26 tuần trong mỗi trường hợp ốm đau | Thời gian đủ điều kiện có thể được quy định khi cần thiết để ngăn chặn lạm dụng. Khả năng thiết lập thời gian chờ đợi là 3 ngày. |
Trợ cấp thất nghiệp | Trường hợp bảo vệ phải bao gồm tình trạng gián đoạn thu nhập, theo quy định của pháp luật quốc gia, của người có khả năng làm việc và mong muốn tìm việc làm nhưng không tìm được việc làm phù hợp (Điều 20). | – ít nhất chiếm 50% toàn bộ những người làm công ăn lương;
– Mọi người thường trú có thu nhập hạn chế; – hoặc, áp dụng Điều 3, ít nhất chiếm 50% toàn bộ những người làm công ăn lương làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp đang sử dụng 20 người trở lên |
45% mức lương tham chiếu | Chế độ được cấp ít nhất 13 tuần trong khoảng thời gian 12 tháng với NLĐ làm công ăn lương. Trong trường hợp pháp luật quy định rằng thời gian trợ cấp tùy theo thời gian đóng góp thời gian trung bình hưởng trợ cấp là 12 tuần trở lên trong thời kỳ 12 tháng.
Thời gian chờ đợi để hưởng trợ cấp thất nghiệp tối đa là 7 ngày. |
Các quốc gia cần quy định về điều kiện hưởng trợ cấp gắn với thời gian tham gia (đóng BHTN) để tránh lạm dụng hưởng trợ cấp thất nghiệp
|
Hưu trí | Chế độ hưu trí khi ở một độ tuổi nhất định. Độ tuổi quy định không được quá 65. Tuy nhiên tùy theo điều kiện của từng quốc gia, các cơ quan có thẩm quyền có thể ấn định một độ tuổi cao hơn, xét theo khả năng làm việc của những người cao tuổi trong nước đó. | – ít nhất chiếm 50% toàn bộ những người làm công ăn lương;
– Dân số hoạt động kinh tế chiếm ít nhất 20% tổng dân số; – Mọi người thường trú có thu nhập hạn chế; – hoặc, áp dụng Điều 3, ít nhất chiếm 50% toàn bộ những người làm công ăn lương làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp đang sử dụng 20 người trở lên. |
40% mức lương tham chiếu.
Chi trả định kỳ |
Lương hưu phải được trả cho đến khi chết | Mức lương hưu 40% phải được trả sau thời gian đủ điều kiện là 30 năm đóng góp/làm việc hoặc 20 năm cư trú; nếu đóng 15 năm có thể hưởng mức thấp hơn. |
Tai nạn lao động | – Sức khỏe kém và /hoặc mất khả năng làm việc do tai nạn hoặc bệnh tật liên quan đến công việc, dẫn đến bị đình chỉ thu nhập;
– Mất toàn bộ khả năng lao động hoặc mất một phần ở mức độ quy định. – Mất hỗ trợ cho gia đình trong trường hợp trụ cột gia đình qua đời. |
– Ít nhất chiếm 50% toàn bộ những người làm công ăn lương; trợ cấp tiền tuất thì bao gồm cả vợ và con của người làm công ăn lương thuộc loại đó
– hoặc, nếu tuyên bố áp dụng quy định tại điều 3 (ngoại lệ) ít nhất chiếm 50% toàn bộ những người làm công ăn lương làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp đang sử dụng 20 người trở lên |
– 50% mức lương tham chiếu trong trường hợp mất khả năng làm việc tạm thời hoặc vĩnh viễn.
– 40% mức lương tham chiếu cho đối tượng thụ hưởng tiêu chuẩn khi NLĐ chết (vợ và 2 con) |
Điều 38: Trợ cấp phải được trả trong suốt thời gian trường hợp bảo vệ xảy ra;
Trợ cấp phải được cấp kể từ ngày đầu tiên xảy ra tai nạn lao động;
Có thể chuyển đổi trợ cấp định kỳ thành trợ cấp 1 lần khi (1) mức độ mất năng lực nhẹ hoặc (2) cơ quan có thẩm quyền cho rằng số tiền trợ cấp một lần sẽ được sử dụng hợp lý. |
Áp dụng chế độ trợ cấp TNLĐ không đòi hỏi phải có thời gian đóng góp tối thiểu. Đối với những người phụ thuộc, trợ cấp được chi trả cho vợ/chồng người bị tai nạn trong trường hợp họ không có khả năng tự kiếm sống hoặc trả cho con của người lao động bị tai nạn ở trong lứa tuổi theo Luật định |
Gia đình | Điều 40 và Điều 42 của Công ước quy định phạm vi điều chỉnh là hỗ trợ NLĐ trách nhiệm và gánh năng khi nuôi và chăm sóc con cái. Chế độ trợ cấp gia đình để bảo đảm cho những gia đình có trách nhiệm nuôi con về thực phẩm, quần áo, nhà ở, kỳ nghỉ hoặc chăm sóc trẻ em trong gia đình | – Ít nhất 50% tổng số người lao động; hoặc
– ít nhất 20% dân số hoạt động kinh tế hoặc – Tất cả cư dân có thu nhập hạn chế |
– Trợ cấp theo định kỳ; hoặc cung cấp thức ăn, quần áo, nhà ở, cung cấp người nuôi dưỡng; hoặc kết hợp 2 hình thức trên.
– Điều 44: tiêu chuẩn tối thiểu của trợ cấp gia đình nuôi trẻ dựa trên tổng tổng giá trị trợ cấp, có 2 cách tính (1) Ít nhất 3% mức lương tham chiếu nhân với nhân với tổng số con cái của người được bảo vệ; hoặc (2) Ít nhất 1,5% mức lương tham chiếu nhân với tổng số con cái của người thường trú (toàn bộ trẻ em) |
Trường hợp thanh toán định kỳ thì được cấp ít nhất cho đến khi trẻ em đến tuổi đi học hoặc đủ 15 tuổi | Khả năng quy định một thời gian đủ điều kiện, không quá 3 tháng đóng góp hoặc làm việc, hoặc một năm cư trú |
Chế độ thai sản | Chăm sóc y tế theo yêu cầu của thai kỳ, giam cầm và hậu quả của chúng; dẫn đến mất lương. Điều 47 của Công ước số 102, phạm vi được bảo hiểm thai sản bao gồm mang thai, sinh đẻ và những hậu quả tiếp theo dẫn đến gián đoạn thu nhập | – Ít nhất 50% phụ nữ làm công ăn lương. Trường hợp trợ cấp y tế về thai sản thì bao gồm cả vợ của NLĐ hưởng lương
– Ít nhất 20% phụ nữ trong nhóm lao động có hoạt động kinh tế – Nếu áp dụng điều 3 của Công ước thì ít nhất 50% phụ nữ làm công ăn lương làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp đang sử dụng 20 người trở lên |
Chăm sóc y tế gồm các chăm sóc trước khi, trong khi và sau khi sinh, do một thầy thuốc hoặc một người hộ sinh có bằng cấp tiến hành. Việc chăm sóc y tế phải nhằm bảo toàn, phục hồi hoặc cải thiện sức khỏe của người phụ nữ được bảo vệ, và cả khả năng làm việc, khả năng ứng phó với nhu cầu cá nhân của họ.
Mức trợ cấp thai sản ít nhất là 45% mức thu nhập |
Trợ cấp tiền mặt phải được cấp trong ít nhất 12 tuần, trừ khi luật pháp quốc gia yêu cầu/cho phép nghỉ việc lâu hơn | Điều 51 của Công ước: để được hưởng các quyền lợi liên quan đến bảo hiểm thai sản, NLĐ cần phải đóng BHXH trong một thời gian nhất định. Đây là cơ sở để ngăn chặn sự lạm dụng và đảm bảo độ an toàn tài chính cho quá trình thực hiện bảo hiểm thai sản |
Tàn tật/mất sức lao động | Không có khả năng tham gia vào bất kỳ hoạt động có lợi nào, có khả năng là vĩnh viễn hoặc vẫn tồn tại ngoài quyền lợi ốm đau (hoàn toàn không hợp lệ). | – Ít nhất 50% tổng số người lao động; hoặc- Dân số hoạt động kinh tế chiếm ít nhất 20% tổng dân số; hoặc- Tất cả cư dân với phương tiện hạn chế | 40% mức lương tham khảo | Quyền lợi sẽ được cấp trong suốt thời gian dự phòng hoặc cho đến khi trợ cấp cũ được chi trả | Trả ít nhất sau khi hoàn thành thời gian đủ điều kiện là 15 năm đóng góp/làm việc hoặc 10 năm cư trú; sau 5 năm đóng góp/ làm việc mức trợ thấp hơn. |
Trợ cấp tuất | Góa phụ hoặc con cái mất hỗ trợ trong trường hợp trụ cột gia đình qua đời. | – Ít nhất vợ, con của người lao động chiếm không thấp hơn 50% tổng số người lao động; hoặc- Vợ, con của người trụ cột gia đình trong các tầng lớp quy định của dân số hoạt động kinh tế, chiếm không dưới 20% tổng số cư dân; hoặc- Tất cả các góa phụ cư trú và trẻ em cư trú có phương tiện dưới giới hạn nhất định | 40% mức lương tham khảo | Quyền lợi phải được cấp trong suốt thời gian dự phòng | Lương hưu ít nhất 40% mức lương tham chiếu phải được trả ít nhất sau thời gian đủ điều kiện đóng góp/ làm việc hoặc 10 năm cư trú; giảm trợ cấp được chi trả sau 5 năm đóng góp/ việc làm; Trong trường hợp góa phụ, quyền hưởng lợi có thể được thực hiện với điều kiện cô ấy được coi là không có khả năng tự nuôi dưỡng (do tuổi cao, thương tật hoặc chăm sóc con của người quá cố) |
- Sự tương thích của Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) so với Công ước số 102 về an sinh xã hội (tiêu chuẩn tối thiểu)
Ngày 20 tháng 11 năm 2014, tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIII đã thông qua Luật Bảo hiểm xã hội số 58/2014/QH13 (sau đây gọi tắt là Luật BHXH 2014) thay thế Luật Bảo hiểm xã hội số 71/2006/QH11, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2016 (riêng quy định tại điểm b khoản 1 và khoản 2 Điều 2 có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2018). Qua 06 năm thi hành, Luật BHXH 2014, bên cạnh những kết quả đã đạt được, quá trình thực hiện Luật BHXH 2014 cũng cho thấy cần thiết phải nghiên cứu sửa đổi, bổ sung. Trong phần này, tác giả thực hiện việc đánh giá sự tương thích Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi)[4] và Công ước 102 qua các chế độ được thể hiện trong Dự thảo Luật BHXH sửa đổi bao gồm: ốm đau, thai sản, hưu trí, tử tuất, cụ thể như sau.
2.1 Chế độ ốm đau
Thứ nhất, về đối tượng áp dụng, Dự thảo Luật BHXH đã bổ sung thêm các đối tượng được hưởng chế độ ốm đau (nguòi hoạt động không chuyên trách tại cấp xã, người làm việc không trọn thời gian, chủ hộ kinh doanh, người quản lý doanh nghiệp, kiểm soát viên, người đại diện phần vốn nhà nước, người đại diện phần vốn của doanh nghiệp tại công ty và công ty mẹ, người quản lý điều hành hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã không hưởng tiền lương, NLĐ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng theo Luật đưa NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài. Đến hết năm 2022, số người tham gia BHXH là 17,498 triệu người, đạt khoảng 38,07% so với lực lượng lao động trong độ tuổi, cao hơn kế hoạch 0,07% , tăng 5,75% so với năm 2021[5]. Như vậy, về phạm vi bao phủ đối với chế độ ốm đau phù hợp với Công ước 102.
Thứ hai, về phạm vi được hưởng chế độ ốm đau, Điều 39 Dự thảo Luật BHXH và Công ước 102 đều xác định NLĐ do bị ốm đau dẫn đến gián đoạn thu nhập được xem xét hưởng chế độ ốm đau. Tuy nhiên, Dự thảo Luật BHXH cụ thể hơn khi xác định trường hợp gây tổn hại tới sức khỏe được hưởng chế độ tai nạn lao động và các trường hợp không được hưởng chế độ ốm đau do tổn hại về sức khỏe.
Thứ ba, quyền lợi khi bị ốm đau.
Theo Công ước 102, người được bảo vệ là NLĐ hoặc nằm trong nhóm dân số hoạt động kinh tế, mức trợ cấp tối thiểu là 45% thu nhập trước đó. Còn đối với Dự thảo Luật BHXH, mức hưởng thông thường khi NLĐ bị ốm đau tính theo tháng bằng 75% mức tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội của tháng gần nhất trước tháng nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau. Trong trường hợp NLĐ mắc bệnh dài ngày thì mức hưởng chế độ ốm đau sẽ thấp hơn (60%, 55% hay 50%) tùy thuộc vào thời gian đóng BHXH. Như vậy về trợ cấp ốm đau phù hợp với quy định của Công ước 102.
Về thời gian hưởng trợ cấp ốm đau, Điều 18 Công ước số 102, thời gian trợ cấp có thể giới hạn trong 26 tuần cho từng trường hợp đau ốm, và với khả năng không trả trợ cấp trong 3 ngày đầu khi thu nhập bị gián đoạn.
Thời gian hưởng chế độ ốm đau của NLĐ được xác định tối đa trong 1 năm tùy thuộc vào thời gian đóng BHXH, điều kiện làm việc và thời gian chữa trị của bệnh tật. Số ngày này được tính theo ngày làm việc và không bao gồm ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, nghỉ hằng tuần[6]. Thời gian này được tính kể từ ngày 01 tháng 01 đến ngày 31 tháng 12 của năm dương lịch, không phụ thuộc vào thời điểm bắt đầu tham gia BHXH của NLĐ. Đối với NLĐ làm việc trong điều kiện bình thường, thời gian hưởng trợ cấp ốm đau tối đa là 60 ngày, làm việc trong điều kiện nguy hiểm, nặng nhọc, độc hại; đặc biệt nguy hiểm, nặng nhọc, độc hại là 70 ngày nếu đóng BHXH trên 30 năm. Thời gian hưởng ốm đau của người mắc bệnh dài ngày tối đa bằng thời gian đóng BHXH và đối với lực lượng vũ trang thì thời gian hưởng ốm đau hoàn toàn phụ thuộc vào tình trạng bệnh lý. Như vậy, khi so sánh với Công ước 102, thời gian hưởng ốm đau của Việt Nam còn nhiều trường hợp chưa tương thích. Ngoài các trường hợp nghỉ ốm chính thức, NLĐ còn có thể được hưởng chế độ dưỡng sức phục hồi sức khỏe sau khi ốm đau được quy định.
Tuy vậy, để hoàn thiện hơn các quy định của pháp luật về trợ cấp ốm đau, Việt Nam cần cân nhắc thực hiện một số khuyến nghị sau:
– Xây dựng chính sách pháp luật quy định chế độ ốm đau không dựa trên cơ sở đóng góp nhằm hỗ trợ tiếp cận chế độ cho các nhóm dân số chưa và không có điều kiện tham gia bảo hiểm xã hội
– Hướng dẫn cụ thể hơn đối với những trường hợp ốm đau, tai nạn phải nghỉ việc do tự hủy hoại sức khỏe, do say rượu thì không được hưởng chế độ ốm đau.
– Xem xét bổ sung quy định cụ thể đối với những trường hợp cụ thể mới phát sinh như ốm đau trong thời gian ngừng việc, cách ly y tế…
2.2 Chế độ thai sản
Thứ nhất, đối tượng áp dụng.
Đối tượng bảo vệ của bảo vệ thai sản còn được quy định tại Điều 48 Công ước số 102 (1952)[7]. Dự thảo Luật BHXH, chế độ bảo hiểm thai sản được áp dụng với hầu hết các đối tượng tham gia BHXH bắt buộc (Điều 47). So với Luật BHXH 2014 thì đối tượng áp dụng bảo hiểm thai sản đã được mở rộng hơn. Về cơ bản, đối tượng tham gia bảo hiểm thai sản là NLĐ, trong đó chủ yếu là lao động nữ, có tham gia quan hệ lao động theo quy định của pháp luật, có thu nhập từ tiền lương. Đặc biệt, bảo hiểm thai sản đã mở rộng áp dụng cho người tham gia BHXH tự nguyện.
Theo Tóm tắt Báo cáo “Khoảng cách giới trong hệ thống bảo hiểm xã hội” do ILO thực hiện, vào năm 2019, khoảng 31,3% phụ nữ và 22,1% nam giới tham gia BHXH[8] trong khi đó, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động của nữ giới là 62,7%, và nam giới là (75,4%)[9]. Như vậy, diện bao phủ chế độ thai sản phù hợp với yêu cầu của Công ước 102 khi đối sánh với tiêu chí “mọi người phụ nữ thuộc các loại được quy định trong dân số hoạt động kinh tế, và tổng số ít nhất chiếm 20% toàn bộ người thường trú”. Tuy nhiên, khi so sánh với quy định của Công ước, đối tượng áp dụng chế độ thai sản của Việt Nam hẹp hơn. Còn theo điểm a,b khoản 1 điều 48 của Công ước, chế độ thai sản có thể được áp dụng cho cả vợ của những người tham gia chế độ thai sản.
Thứ hai, phạm vi hưởng chế độ thai sản
Theo điều 47 của Công ước số 102, phạm vi được bảo hiểm thai sản bao gồm thai nghén, sinh đẻ và những hậu quả tiếp theo dẫn đến gián đoạn thu nhập. Các quốc gia có thể căn cứ trên tình hình thực tế để cụ thể hoá các trường hợp được xác định thuộc phạm vi bảo vệ của chế độ thai sản.
Tại Việt Nam, phạm vi bảo vệ của chế độ thai sản tương đối toàn diện bao gồm chế độ khám thai, bị sảy thai, nạo, hút thai, thai chết lưu hoặc phá thai bệnh lý, sinh con, nuôi con nuôi sơ sinh, mang thai hộ và nhờ mang thai hộ, hoặc thực hiện các biện pháp tránh thai. Phạm vi bao phủ không chỉ nhằm phát hiện, ngăn ngừa những rủi ro có thể gặp trong thời kỳ mang thai mà còn hướng tới chăm sóc sức khoẻ cho NLĐ nữ và thai nhi. Ngoài ra, điều 50 Dự thảo Luật BHXH còn bổ sung thêm chế độ đình chỉ thai nghén là phù hợp với Công ước 102
Thứ ba, quyền lợi và mức trợ cấp
Theo điều 49 Công ước số 102, chăm sóc y tế áp dụng với bảo hiểm thai sản phải ít nhất gồm các chăm sóc trước khi đẻ, trong khi đẻ và sau khi đẻ, do một thầy thuốc hoặc một người đỡ đẻ có bằng cấp tiến hành. NLĐ được nằm viện khi cần thiết. Việc chăm sóc y tế phải nhằm bảo toàn, phục hồi hoặc cải thiện sức khỏe của người phụ nữ được bảo vệ, và cả khả năng làm việc, khả năng ứng phó với nhu cầu cá nhân của họ. Cũng theo Công ước 102, mức trợ cấp thai sản ít nhất là 45% mức thu nhập.
Dự thảo Luật BHXH sửa đổi về cơ bản kế thừa các quyền lợi về chế độ thai sản của Luật BHXH năm 2014 , NLĐ sẽ được hưởng nhiều chế độ thai sản khác nhau, tương ứng theo đó là các mức hưởng và quyền lợi khác nhau bao gồm: Tiền trợ cấp 1 lần khi sinh con, Tiền chế độ thai sản: Tiền dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau thai sản[10]. Có thể thấy, các khoản trợ cấp dành cho NLĐ khi sinh con từ quỹ BHXH nhìn chung phù hợp với Công ước 102. Chế độ trợ cấp thai sản đem đến bảo đảm về thu nhập đã trở thành một phần cơ bản trong bảo hiểm thai sản.
Về thời gian hưởng trợ cấp Điều 52 Công ước 102 của ILO quy định tối thiểu là 12 tuần. Theo quy Dự thảo Luật BHXH quá trình mang thai và sinh con để đảm bảo sức khỏe, bao gồm các chế độ nghỉ thai sản: Nghỉ khám thai, thai nghén, nghỉ sinh con. Như vậy, thời gian nghỉ thai sản theo quy định của pháp luật Việt Nam được quy định chi tiết, phụ thuộc vào các sự kiện thai sản cụ thể. Trong khi thời gian nghỉ thai sản theo quy định của Công ước 102 chỉ bao gồm 01 mức. Về cơ bản, thời gian nghỉ thai sản theo quy định của Việt Nam tương thích và phù hợp với Công ước 102 của ILO.
Thứ tư, điều kiện hưởng chế độ thai sản
Theo quy định tại điều 51 của Công ước 102, để được hưởng các quyền lợi liên quan đến bảo hiểm thai sản, NLĐ cần phải đóng BHXH trong một thời gian nhất định. Đây là cơ sở để ngăn chặn sự lạm dụng và đảm bảo độ an toàn tài chính cho quá trình thực hiện bảo hiểm thai sản. Về cơ bản, Dự thảo Luật BHXH cũng đưa ra cách tiếp cận tương tự, yêu cầu NLĐ phải có thời gian đóng góp để được hưởng trợ cấp thai sản.
2.3 Chế độ hưu trí
Thứ nhất, về đối tượng áp dụng
Điều 27 của Công ước 102 quy định đối tượng được hưởng trợ cấp lượng hưu và quy định một tỷ lệ tối thiểu mà chính sách và luật pháp quốc gia phải bao phủ đến đối tượng này[11].
Hệ thống trợ cấp tuổi già ở Việt Nam bao gồm ba tầng. Tầng 1 cung cấp hưu trí xã hội từ nguồn thuế chi trả cho những người cao tuổi không nhận lương hưu từ bảo hiểm xã hội. Lương hưu xã hội được quy định tại Điều 5 Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15/3/2021 quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội
Lương hưu bảo hiểm xã hội được thiết kể ở Tầng 2 hai được cấp cho những người đã tham gia vào BHXHVN khi họ đủ 55 tuổi (đối với nữ) và 60 (đối với nam), với điều kiện họ đã đóng góp ít nhất 20 năm. Độ tuổi và số năm hưởng lương hưu bảo hiểm xã hội được quy định tại điều 54 Luật Bảo hiểm 2014 và được điều chỉnh tại tại điều 169 Bộ Luật Lao động 2019 theo lộ trình để tuổi nghỉ hưu của Nam giới sẽ là 62 tuổi vào năm 2028 và nữ giới là 60 tuổi đến năm 2035. Bảo hiểm hưu trí bổ sung được thiết kế ở tầng 3, là chế độ hưu trí tự nguyện theo nguyên tắc thị trường, tạo điều kiện cho người sử dụng lao động và người lao động có thêm sự lựa chọn tham gia đóng góp để được hưởng mức lương hưu cao hơn.
Hiện nay các tầng của Bảo hiểm hưu trí đã được thể hiện đầy đủ trong Dự thảo Luật BHXH sửa đổi. Trên phương diện pháp luật, có thể thấy pháp luật Việt Nam phù hợp với công ước xét trên khía cạnh luật pháp Việt Nam đã có quy định xác định độ tuổi được hưởng lương hưu. Tuy nhiên, các quy định của Việt Nam có một số điểm khác với quy định của công ước liên quan đến phạm vi điều chỉnh, đó là Quy định độ tuổi được hưởng lương hưu khác nhau giữa nam và nữ. Điều này dẫn đến những vấn đề về cơ hội việc làm; về thu nhập lương hưu của lao động nam và nữ liên quan đến thời gian lao động, thời gian đóng bảo hiểm và cách tính tiền hưu dẫn đến tiền lương hưu của nam và nữ có thể khác nhau. Độ tuổi được hưởng lương hưu của Việt Nam (Cả lao động nam và lao động nữ khá thấp, mặc dù đã có lộ trình tăng độ tuổi về hưu của người lao động đến năm 2028 đối với lao động nam và đến năm 2035 đối với nữ nhưng ngay cả đến thời điểm đó thì độ tuổi của cả lao động nam và lao động nữ đều thấp hơn so với mức của công ước là 3 tuổi đối với Nam và 5 tuổi đối với nữ. Sự khác nhau này đặt ra vấn đề cần phải nghiên cứu điều chỉnh tuổi hưởng lương hưu trong pháp luật kịp thời trong bối cảnh già hóa dân số của Việt Nam đang diễn biến rất nhanh.
Độ tuổi người cao tuổi được hưởng trợ cấp xã hội là 80 tuổi khi họ không có các nguồn thu nhập khác ở độ tuổi quá cao. Mặc dù Nghị định 20 mở rộng độ bao phủ cho 2 nhóm đối tượng là người cao tuổi thuộc hộ cận nghèo và người cao tuổi từ đủ 75 tuổi trở lên đang sống ở các xã/huyện vùng đặc biệt khó khăn, bãi ngang ven biển, vùng núi, hải đảo và không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hoặc trợ cấp xã hội khác hàng tháng nhưng, đa số đối tượng thuộc nhóm này đã nằm trong nhóm đối tượng được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội trên cơ sở thu nhập. Dù dữ liệu còn hạn chế, theo tính toán của Bộ Tài chính, số lượng người cao tuổi từ đủ 75 tuổi trở lên đang sống ở các xã khó khăn chỉ chiếm thiểu số. Từ nay đến năm 2030, nhóm đối tượng này sẽ chiếm khoảng 18% tổng dân số từ đủ 75 tuổi trở lên.[12]
Thứ hai, về quyền lợi, mức trợ cấp
Điều 28 dẫn chiếu đến các quy định tại điều 66 và 67 của công ước 102 quy định chế độ chi trả định kỳ theo mức được tính ít nhất 40 % thu nhập trước đây; hoặc quyền lợi tính theo số năm: ít nhất 40 % tiền lương của những người lao động không có kỹ năng. Công ước 102 quy định về việc điều chỉnh mức chi trả chế độ hưu trí khi có những thay đổi đáng kể về chi phí sinh hoạt
Dự thảo Luật BHXH năm 2014 xác định quyền lợi của người lao động được hưởng bao gồm các khoản chi trả hàng tháng và một khoảng chi trả bổ sung đối với những người có thời gian đóng bảo hiểm xã hội nhiều hơn 20 năm. Quyền lợi hưởng hưu trí xã hội được quy định tại điều 22 Dự thảo. Đối vơi bảo hiểm hưu trí bổ sung. Dự thao Luật BHXH phù hợp với các quy định của Công ước 102. Theo đó cả chế độ BHXH bắt buộc và bảo hiểm tự nguyện đều có quy định về có chế độ chi trả hàng tháng cho người lao động khi tham gia bảo hiểm xã hội và mức chi trả đó được tính trên mức lương thực tế của họ theo một tỷ lệ nhất định và được điều chỉnh để phù hợp với sự thay đổi của điều kiện kinh tế xã hội. Ở Việt nam việc điều chỉnh này được thực hiện hằng năm.
Thứ ba, thời hạn hưởng trợ cấp
Điều 30 và điều 26 của công ước quy định đối tượng đủ điều kiện được hưởng chế độ hưu trí sẽ nhận được chế độ đó trọn đời. Công ước cũng quy định trong một số trường hợp chế độ (Đối với trợ cấp tuổi già do nhà nước trợ cấp không dựa trên nguyên tắc đóng hưởng) có thể bị dừng khi người thụ hưởng có thu nhập cao hơn một mức quy định nào đó . Không có quy định nào trong các quy định của Việt Nam quy định về việc dừng chế độ hưu trí. Điều này có thể khẳng định rằng người đủ điều kiện để được hưởng chế độ hưu trí hàng tháng sẽ được hưởng chế độ này cho đến khi họ chết. Như vậy có thể nói quy định hiện hành của Việt Nam về thời gian được hưởng chế độ hưu trí là phù hợp với công ước 102 của ILO.
Thứ tư, điều kiện hưởng trợ cấp
Theo Điều 29 công ước 102 điều kiện để hưởng chế độ hưu trí bao gồm có 30 năm đóng bảo hiểm/hoặc 20 năm thường trú hoặc, những người hoạt động kinh tế được bảo hiểm, một khoảng thời gian đủ điều kiện theo quy định và đáp ứng mực độ đóng góp trung bình hàng năm. Công ước 102 cũng có quy định mức lương hưu sẽ thấp hơn trong trường hợp chưa đủ năm đóng bảo hiểm xã hội. [13].
Dự thảo Luật BHXH sửa đổi đưa ra cách tiếp cận truỳene thống xác định hai điều kiện cơ bản và quan trọng để được hưởng chế độ lương hưu đó là độ tuổi và thời gian đóng bảo hiểm xã hội. Tuy nhiên, dự thảo có một số điểm khác với công ước, cụ thể (i) Đối với người lao động có thời gian đóng bảo hiểm từ 15 đến dưới 20 năm vẫn còn là một khoảng trống cần được nhận diện và xử lý; (ii) có sự quy định khác nhau giữa độ tuổi hưởng lương hưu trí khác nhau giữa nam và nữ; (ii) độ tuổi để hưởng lương hưu của Việt Nam còn thấp.
Ngoài ra đối với bối cảnh kinh tế xã hội của Việt Nam điều kiện 20 năm đóng BHXH để được hưởng chế độ hưu trí hàng tháng là khá dài không phù hợp với khả năng tạo và duy trì việc làm của nền kinh tế cho người lao động. Điều kiện để hưởng chế độ hưu trí này cùng với hoàn cảnh kinh tế khó khăn đã khiến nhiều người lao động phải quan tâm đến những nhu cầu trước mắt – nản lòng trong quá trình theo đuổi đóng góp cho hệ thống BHXH.
2.4 Chế độ tử tuất
Thứ nhất, đối tượng áp dụng
Điều 61 của công ước 102 yêu cầu, đối tượng được hưởng chế độ tử tuất khi người trụ cột trong gia đình họ bị mất bao gồm:
- a) Người vợ và con cái của người trụ cột gia đình thuộc loại làm công ăn lương được quy định, và những loại này tổng số ít nhất chiếm 50% toàn bộ người làm công ăn lương.
- b) hoặc vợ, con của người trụ cột gia đình thuộc các loại được quy định trong dân số hoạt động kinh tế, tổng số ít nhất chiếm 20% toàn bộ người thường trú.
- c) hoặc vợ góa hoặc con cái có tư cách thường trú đã mất người trụ cột gia đình mà phương tiện sinh sống trong khi trường hợp bảo vệ xảy ra không vượt quá giới hạn quy định theo Điều 67.
- d) hoặc, nếu đã có bản tuyên bố để áp dụng Điều 3, phải bao gồm vợ và con của người trụ cột gia đình thuộc loại làm công ăn lương được quy định, tổng số ít nhất chiếm 50% toàn bộ người làm công ăn lương làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp đang sử dụng 20 người trở lên.
Dự thảo Luật BHXH đã tuân thủ Công ước vì các quy định về chế độ tử tuất của Việt Nam đã chi trả chế độ tử tuất đối với những người phụ thuộc để bù đắp cho việc mất hỗ trợ thu nhập do cái chết của người tham gia bảo hiểm. Thân nhân của người người tham gia BHXH bị chết được nhận chế độ tử tuất không chỉ bao gồm các góa phụ, trẻ em mà cả cha mẹ hoặc ông bà phụ thuộc của người chết với điều kiện họ đáp ứng các điều kiện theo quy định.
Thứ hai, quyền lợi, mức trợ cấp
Điều 62 của công ước[14] yêu cầu viện dẫn mức chi trả định kỳ được tính theo quy định tại điều 65 và 67 của công ước. Theo đó khoản tiền trợ cấp hàng tháng mà người được bảo vệ được hưởng ít nhất 40% tiền lương trước đó của người lao động khi họ chết; mức chi này sẽ được điều chỉnh khi có những thay đổi đáng kể về mức thu nhập chung, về giá cả chi phí sinh hoạt.
Về cơ bản, dự thảo Luật BHXH kế thừa cách tiếp cận về các quyền lợi của chế độ tử tuất theo Luật BXHH 2014 sẽ bao có trợ cấp mai táng, trợ cấp tuất hàng tháng, trợ cấp tuất một lần.
Dự thảo tương đồng với công ước 102 của ILO về quyền lợi của thân nhân người tham gia trên khía cạnh quy định người tham gia bảo hiểm khi chết thì thân nhân của họ được hưởng chế độ tử tuất với các chế độ về mai táng, trợ cấp hàng và trợ cấp 1 lần. Tuy nhiên, Dự thảo vẫn chưa tương thích với công ước ở chỗ nó mức chi trả của chế độ tử tuất quá thấp, không dựa trên thu nhập của người lao động trước khi người đó mất và không đáp ứng được mức là 40% mức thu nhập trước đó của người lao động theo như yêu cầu của công ước. Thứ hai là việc chi trả một lần không phải là phương thức được quy định trong công ước. Do vậy cần có sự xem xét điều chỉnh về pháp luật ở khía cạnh này.
Thứ ba, thời gian hưởng trợ cấp
Theo quy định của công ước tại Điều 64 người thuộc đối tượng được hưởng trợ cấp theo trong suốt thời gian của trường hợp bảo vệ. Công ước cho phép luật pháp quốc gia giới hạn thời gian được hưởng chế độ tử tuất đối với con của người tham gia bảo hiểm chết cho đến khi chúng đạt đến độ tuổi tham gia hoạt động kinh tế và hạn chế thời gian được hưởng chế độ tử tuất cho vợ hoặc chồng được cho là có khả năng tự hỗ trợ. Dự thảo luật BHXH của Việt Nam cũng có quy định tương tự. Do đó, các quy định liên quan của pháp luật quốc gia tuân thủ Công ước 102.
Thứ tư, điều kiện hưởng trợ cấp
Điều 63 của công ước 102 yêu cầu người lao động phải có thời gian đóng góp BHXH là 15 hoặc làm việc và thường trú là 10 năm. Mức trợ cấp giảm hơn đối với trường hợp mới có 5 năm đóng góp hoặc làm việc. Thời gian kết hôn tối thiểu có thể được đặt cho các góa phụ không có con. Thân nhân của người tham gia bảo hiểm được hưởng chế độ tử tuất khi người lao động chết là con của chết cho đến khi trẻ đến 15 tuổi; hoặc hết tuổi đi học. Góa phụ không có khả năng tự hỗ trợ, quyền lợi được hưởng suốt đời. Chế độ tử tuất có thể bị đình chỉ trong trường hợp tái hôn hoặc khi tham gia vào hoạt động kinh tế.
Về điều kiện, Dự thảo quy định để thân nhân người tham gia bảo hiểm được hưởng chế độ tử tuất khi người tham gia BHXH chết là người đó phải có thời gian đóng BHXH là 15 năm. Người được hưởng chế độ phải là con dưới 18 tuổi của người chết và các đối tượng khác phải là người không có nguồn thu nhập nào khác. Những điều này phù hợp với yêu cầu của công ước ILO. Tuy nhiên công ước 102 có các quy định các trường hợp có thời gian đóng bảo hiểm 5 năm 10 năm và trong trường hợp này tiền tuất thấp hơn, còn quy định của Việt Nam thì dưới 15 năm thân nhân của họ chỉ được hưởng trợ cấp tiền tuất một lẩn.
[1] Các tiêu chuẩn của ILO thường được đàm phán và thông qua bởi Hội nghị Lao động Quốc tế (International Labour Conference – ILC), trong đó các chính phủ, NLĐ và NSDLĐ của 187 quốc gia thành viên của ILO được đại diện
[2] end poverty in all its forms everywhere and good health and well-being (chấm dứt nghèo đói dưới mọi hình thức ở khắp mọi nơi và có sức khỏe tốt và hạnh phúc)
[3] https://www.ilo.org/secsoc/areas-of-work/legal-advice/WCMS_205340/lang–en/index.htm
[4] Bản cập nhật ngày 8/10/2023
[5]https://baohiemxahoi.gov.vn/tintuc/Pages/hoat-dong-he-thong-bao-hiem-xa-hoi.aspx?ItemID=19919&CateID=0#:~:text=%C4%90%E1%BA%BFn%20h%E1%BA%BFt%20n%C4%83m%202022%2C%20s%E1%BB%91,98%25%20so%20v%E1%BB%9Bi%20n%C4%83m%202021.
[6] Điều 26 Luật BHXH năm2014.
[7] “a) Mọi người phụ nữ thuộc làm công ăn lương được quy định, tổng số ít nhất chiếm 50% toàn bộ người làm công ăn lương; trong trường hợp trợ cấp y tế về thai sản thì bao gồm cả vợ của những người thuộc các loại này.
- b) hoặc mọi người phụ nữ thuộc các loại được quy định trong dân số hoạt động kinh tế, và tổng số ít nhất chiếm 20% toàn bộ người thường trú; trong trường hợp trợ cấp y tế về thai sản thì bao gồm cả vợ của những người thuộc các loại này.
- c) hoặc, nếu đã có bản tuyên bố để áp dụng Điều 3, phải bao gồm mọi người phụ nữ thuộc những loại làm công ăn lương được quy định, và tổng số ít nhất chiếm 50% toàn bộ người làm công ăn lương làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp đang sử dụng 20 người trở lên; trong trường hợp trợ cấp y tế về thai sản thì bao gồm cả vợ của những người thuộc các loại này.”
Những quy định như vậy thể hiện tính chất bao quát của chế độ thai sản, mọi người lao động nữ đang tham gia quan hệ lao động không phân biệt ngành nghề nông nghiệp – phi nông nghiệp, không phân biệt làm công ăn lương hay làm việc tại nhà, lao động theo hợp đồng hay tự do, đều là đối tượng được hưởng trợ cấp chế độ thai sản khi họ mang thai, sinh con, nuôi con sơ sinh.
[8] Link truy cập:
[9] Tổng cục thống kê, Thông cáo báo chí tình hình lao động việc làm quý iv và năm 2022. Link truy cập:
[10] Tham khảo điều 56, 57, 59 Dự thảo Luật BHXH.
[11] Cụ thể những người được hưởng chế độ hưu trí/ trợ cấp tuổi già phải bao gồm:
- a) những loại làm công ăn lương được quy định, tổng số ít nhất chiếm 50% toàn bộ những người làm công ăn lương;
- b) hoặc những loại được quy định trong dân số hoạt động kinh tế, tổng số ít nhất chiếm 20% toàn bộ những người thường trú;
- c) hoặc mọi người thường trú mà phương tiện sinh sống trong khi trường hợp bảo vệ xảy ra không vượt quá giới hạn quy định theo Điều 67; d) hoặc, khi đã có bản tuyên bố để áp dụng Điều 3 (bảo lưu việc sử dụng những ngoại lệ tạm thời) , phải bao gồm những loại làm công ăn lương được quy định, tổng số ít nhất chiếm 50% toàn bộ những người làm công ăn lương làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp đang sử dụng 20 người trở lên.
[12] ILO, 2020, Báo cáo kỹ thuật Phân tích dự thảo nghị định thay thế Nghị định 136 và nghiên cứu các phương án mở rộng đối tượng hưu trí xã hội tại Việt Nam
[13] Điều 29 của công ước 102 quy định “1. Khi xảy ra trường hợp bảo vệ, trợ cấp nêu tại Điều 28, phải ít nhất bảo đảm cho: a) người được bảo vệ mà trước khi trường hợp bảo vệ xảy ra và theo những quy tắc quy định, đã có thâm niên có thể gồm 30 năm đóng góp hay làm việc, hoặc 20 năm thường trú; b) khi về nguyên tắc mọi hoạt động đều được bảo vệ, thì bảo bảo đảm cho người được bảo vệ đã có thâm niên đóng góp theo quy định, và đối với người đó, trong suốt độ tuổi lao động, sự đóng góp đã đạt số đóng góp trung bình hàng năm theo quy định.
- Nếu việc trợ cấp nêu tại Đoạn 1 tùy thuộc vào việc có một khoảng thời gian đóng góp hoặc làm việc tối thiểu, thì ít nhất phải bảo đảm một trợ giảm bớt cho: a. người được bảo vệ nào, trước khi trường hợp bảo vệ xảy ra và theo những quy tắc đã định, đã có thâm niên 15 năm đóng góp hoặc làm việc; b. khi về nguyên tắc mọi hoạt động đều được bảo vệ, thì phải bảo đảm cho người được bảo vệ nào đã có thâm niên đóng góp theo quy định, và đối với người đó, trong suốt độ tuổi lao động, sự đóng góp đã đạt một nửa số đóng góp trung bình hàng năm quy định theo khoảng b) Đoạn 2, Điều này.
- Những quy định tại Đoạn 1, Điều này, coi là được thỏa mãn, nếu trợ cấp được tính theo Phần XI nhưng theo một tỷ lệ phần trăm thấp hơn 10 đơn vị so với tỷ lệ ghi trong Biểu kèm theo phần đó cho đối tượng thụ hưởng đủ tiêu chuẩn, sẽ ít nhất bảo đảm cho người được bảo vệ nào, theo quy tắc đã định, đã có 10 năm đóng góp hay làm việc, hoặc đã có 5 năm thường trú.
- Tỷ lệ phần trăm ghi ở Biểu kèm theo Phần XI có thể được giảm bớt theo mức phần trăm, nếu thâm niên để hưởng trợ cấp tương ứng với mức phần trăm giảm bớt là trên 10 năm đóng góp hoặc làm việc, nhưng dưới 30 năm đóng góp hoặc làm việc. Nếu thâm niên đó là trên 15 năm thì một trợ cấp giảm bớt sẽ được cấp theo Đoạn 2, Điều này.
- Nếu trợ cấp nêu trong Đoạn 1,3 hoặc 4, Điều này, tùy thuộc vào việc có một khoảng thời gian đóng góp hoặc làm việc tối thiểu, thì phải bảo đảm trợ cấp giảm bớt theo những điều kiện quy định, cho người được bảo vệ đã cao tuổi khi quy định cho phép áp dụng Phần này của Công ước bắt đầu có hiệu lực, và do đó không có đủ những điều kiện quy định theo Đoạn 2, Điều này, trừ phi việc trợ cấp phù hợp với những quy định tại các Đoạn 1, 3 hoặc 4, Điều này, được trả cho người đó ở một độ tuổi cao hơn so với độ tuổi bình thường.
[14] Điều 62 Công ước 102 quy định Trợ cấp phải là chế độ chi trả định kỳ theo mức được tính như sau: a) theo quy định tại Điều 65 hoặc Điều 66, nếu người được bảo vệ là loại làm công ăn lương hoặc loại trong dân số hoạt động kinh tế; b) theo quy định tại Điều 67, nếu người được bảo vệ là người thường trú mà phương tiện sinh sống trong khi trường hợp bảo vệ xảy ra không vượt quá giới hạn quy định.