Solo dining or eating alone
![](https://luatlaodong.com.vn/wp-content/uploads/2024/08/36.Ho_con_rua-scaled.jpg)
Một trong những nơi chứa đựng nhiều kỷ niệm trong bước đầu tôi khởi nghiệp tại Tp Hồ Chí Minh là Hồ Con Rùa và quán ăn quen thuộc tại đây là KFC Phạm Ngọc Thạch. Tôi không phải là fan của fastfood, nhưng câu hỏi khó mỗi lần đến SG là ăn gì bởi quá nhiều sự lựa chọn. Chọn 1 hồi, chả biết chọn gì thôi lại chọn KFC vì nhanh và tiện,
8h30 tối, không quá muộn với người SG vì nhịp sống về đêm với người SG mới bắt đầu. Nhiều bạn trẻ cũng như tôi, chọn cho mình 1 phần ăn, yên lặng thưởng thức bữa tối. À, nghe sang thì gọi là “ăn trong tỉnh thức”. Gần đây, nghe được thuật ngữ “Solo Dining” hay “eating alone” là thuật ngữ chỉ hiện tượng “ăn một mình” phổ biến ở các môi trường đô thị, nơi mà lối sống và cấu trúc xã hội của cá nhân đã phát triển để đáp ứng với nhu cầu công việc gia tăng, tiến bộ công nghệ và thay đổi trong các chuẩn mực xã hội.
Tra cứu thuật ngữ “Solo Dining” hay “eating alone” mới thấy, tại nhiều thành phố trên khắp thế giới, tình trạng giờ làm việc dài, lịch trình không đều và nhu cầu về hiệu quả đã khiến nhiều người khó có thể phối hợp thời gian ăn uống với gia đình hoặc bạn bè. Điều này đã dẫn đến sự gia tăng của những người ăn một mình, dù ở nhà hay tại các nhà hàng. Ví dụ, tại Nhật Bản, khái niệm “ohitorisama” (trạng thái một mình) đã trở nên phổ biến. Các nhà hàng phục vụ riêng cho khách ăn một mình đã xuất hiện, cung cấp các buồng riêng và món ăn riêng lẻ để phục vụ và bình thường hóa việc ăn một mình. Sự chấp nhận văn hóa này đã giảm bớt sự kỳ thị từng gắn liền với việc ăn một mình.
Trở lại với quán KFC, đối diện chếch trái là 1 bạn nữ khá xinh, vừa ăn vừa nghe điện thoại,, rồi lại mở lap làm việc. Chợt nhớ tới thuật ngữ “right to disconect” – quyền ngắt kết nối rất phổ biến tại châu Âu và đặc biệt là Đức. Trong đời sống hiện đại, ranh giới giữa thời gian làm việc và nghỉ ngơi ngày càng bị xóa nhòa. Công nghệ đã mang lại nhiều tiện ích, nhưng cũng khiến việc làm việc trở nên liên tục và không bị giới hạn bởi thời gian hay không gian. Email, tin nhắn và các công cụ liên lạc trực tuyến cho phép kết nối và xử lý công việc mọi lúc, mọi nơi, kể cả ngoài giờ làm việc chính thức. Điều này dẫn đến việc nhiều người cảm thấy áp lực phải luôn sẵn sàng và không thể tách rời hoàn toàn khỏi công việc, gây ra tình trạng căng thẳng và kiệt sức.
Cơn mưa đầu mùa hạ níu chân tôi ở quán thêm 20 phút. Đứng dậy với 2 lời nhắc deadline và 1 cuộc điện thoại công việc. Right to disconect cũng nhẹ nhàng biến mất nhanh như mưa Sài Gòn. Chỉ còn lại hình ảnh em xinh xinh vừa ăn vừa làm việc :)).
Tỉnh giấc, vợ gọi dậy đưa con đi học. Hóa ra là 1 cơn mơ.