Học luật lao động khi trẻ con còn ngủ

Tôi nhớ một lần trò chuyện với anh H., một cựu sinh viên của Đại học Luật Hà Nội, hiện đang công tác tại 1 cơ quan nhà nước tại tỉnh Hải Dương. Anh chia sẻ rằng muốn phát triển công việc bên ngoài, vì vậy anh quyết định học tiếng Trung theo hình thức 1 kèm 1. Điều đặc biệt là anh học từ 5h đến 7h sáng. Tôi khá bất ngờ với khung giờ này, nhưng khi nghe anh giải thích, tôi mới hiểu: “Tối phải chăm con, trưa thì mệt, còn giờ làm việc thì không thể.” Cô giáo dạy tiếng Trung là trưởng phòng nhân sự của 1 công ty tại Hải Dương cũng bận, chỉ có khung giờ sáng sớm là phù hợp cho cả hai. Đó là sự linh hoạt cần thiết để giúp một người đi làm vẫn có thể học tập hiệu quả.
Câu chuyện của anh H. khiến tôi suy nghĩ: Tại sao không áp dụng mô hình này cho việc học luật lao động? Tôi đã gặp rất nhiều anh chị làm nhân sự nhưng không xuất thân từ ngành luật. Họ cần hiểu sâu về luật lao động để áp dụng trong công việc, nhưng việc tham gia các khóa học chung không hề dễ dàng. Ai cũng bận rộn, không dễ thu xếp thời gian học vào giờ hành chính hay buổi tối. Một khóa học 1 kèm 1, linh hoạt về thời gian, có thể chính là giải pháp phù hợp.
Một ngày nọ, tôi nhận được tin nhắn từ một học viên tiềm năng – chị N. Chị hỏi về khóa học luật lao động 1 kèm 1: “Em chỉ có thể học vào buổi sáng sớm, từ 5h đến 7h. Ban ngày đi làm, tối thì phải lo con cái. Không biết anh có thể dạy vào giờ đó không?” Tôi không chần chừ mà nhận lời ngay.
Buổi học đầu tiên diễn ra vào sáng sớm hôm sau. Chị N. ngồi ngay ngắn trước màn hình laptop, còn chồng chị thì tất bật lo bữa sáng và chăm con nhỏ. Ngay từ đầu, tôi đã xác định khóa học này không chỉ dừng lại ở lý thuyết mà sẽ kết hợp thực hành từ chính những tình huống công việc thực tế của chị. Các tình huống như xử lý kỷ luật lao động, hợp đồng lao động, chính sách bảo hiểm xã hội, hay các tranh chấp lao động đều được phân tích và đưa ra giải pháp cụ thể. Dần dần, tôi nhận thấy có một “học viên thầm lặng” cũng đồng hành cùng khóa học. Đó chính là chồng của chị N. Ban đầu, anh chỉ đứng từ xa nghe vợ học, nhưng về sau, anh dần quan tâm hơn và thỉnh thoảng còn đặt câu hỏi. Chị N. cười bảo: “Chắc anh ấy thấy thú vị nên cũng muốn nghe ké!”
Sau 15 buổi học, kéo dài trong 1,5 tháng, khóa học kết thúc. Chị N. vui vẻ chia sẻ rằng bản thân đã tự tin hơn trong việc xử lý các vấn đề về hợp đồng lao động, lương thưởng và những tình huống phát sinh trong công việc. Chị cũng bất ngờ khi chồng mình cũng quan tâm đến nội dung khóa học và đôi khi còn thảo luận cùng. Tôi rất vui khi biết rằng những kiến thức đã giúp ích cho chị trong công việc hàng ngày.
Câu chuyện của chị N. và chồng chị là minh chứng rõ ràng rằng việc học không bao giờ là muộn. Kiến thức luôn sẵn có cho những ai chủ động tìm kiếm. Bất kể độ tuổi hay công việc, chỉ cần có tinh thần cầu tiến, ai cũng có thể nâng cao kỹ năng và mở rộng cơ hội nghề nghiệp. Tôi hy vọng rằng với phương pháp học 1 kèm 1, nhiều người sẽ có cơ hội tiếp cận luật lao động theo cách linh hoạt, thiết thực và gần gũi nhất, biến nó thành công cụ giúp họ làm việc hiệu quả hơn mỗi ngày.