Các phương thức giải quyết tranh chấp về bảo hiểm xã hội
![](https://luatlaodong.com.vn/wp-content/uploads/2024/04/4.jpg)
Tranh chấp về bảo hiểm xã hội là dạng tranh chấp phổ biến nhưng rất đa dạng, phức tạp. Vì vậy, việc giải quyết tranh chấp về bảo hiểm xã hội trên thực tế gặp khá nhiều khó khăn đối với cả các bên tranh chấp và các chủ thể giải quyết tranh chấp. Hiện nay, việc giải quyết tranh chấp về bảo hiểm xã hội được thực hiện theo nhiều phương thức giải quyết khác nhau. Mỗi phương thức giải quyết tranh chấp về bảo hiểm xã hội có những ưu điểm và hạn chế riêng. Vì vậy, việc nghiên cứu các phương thức này là rất cần thiết để lựa chọn phương thức phù hợp nhất khi tranh chấp về bảo hiểm xã hội xảy ra.
Summary:
Social insurance disputes are a common form of dispute but are very diverse and complex. Therefore, resolving disputes about social insurance in reality faces many difficulties for both the disputing parties and the dispute resolution subjects. Currently, social insurance disputes are resolved by many different methods. Each method of resolving disputes about social insurance has its own advantages and limitations. Therefore, researching these methods is very necessary to choose the most appropriate method when a dispute over social insurance occurs.
Từ khóa: tranh chấp về bảo hiểm xã hội , giải quyết tranh chấp về bảo hiểm xã hội , phương thức giải quyết tranh chấp về bảo hiểm xã hội, tranh chấp, bảo hiểm xã hội
Keywords: social insurance dispute, social insurance dispute resolution, social insurance dispute resolution method, dispute, social insurance
- Đặt vấn đề
Tranh chấp về bảo hiểm xã hội là những mâu thuẫn, bất đồng giữa các chủ thể về quyền, nghĩa vụ, lợi ích trong quan hệ bảo hiểm xã hội khi được các bên đưa ra yêu cầu giải quyết. Tranh chấp về bảo hiểm xã hội là hiện tượng khách quan tất yếu xảy ra trong quá trình thực hiện các quy định trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội. Khi tranh chấp về bảo hiểm xã hội phát sinh thì sẽ sinh ra nhu cầu giải quyết tranh chấp. Giải quyết tranh chấp về bảo hiểm xã hội là tổng thể các hoạt động của chủ thể có thẩm quyền nhằm giải quyết những xung đột về quyền lợi giữa các bên trong quan hệ bảo hiểm xã hội theo yêu cầu của các bên và theo quy định của pháp luật.
- Nội dung
Phương thức giải quyết tranh chấp về bảo hiểm xã hội là những phương pháp, cách thức mà người lao động, người sử dụng lao động, các cá nhân, cơ quan, tổ chức có thẩm quyền căn cứ vào đó để có những hành động tích cực, phù hợp với các quy định của pháp luật nhằm tháo gỡ những xung đột, bất đồng, đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của các bên tranh chấp. Các phương thức giải quyết tranh chấp về bảo hiểm xã hội cơ bản bao gồm:
– Phương thức thương lượng.
Thương lượng là phương thức giải quyết tranh chấp về bảo hiểm xã hội xuất hiện sớm và được sử dụng rộng rãi để giải quyết các tranh chấp thông qua việc các bên tranh chấp cùng nhau bàn bạc, tự dàn xếp, tháo gỡ những bất đồng phát sinh để loại bỏ tranh chấp giải quyết các mâu thuẫn. Giải quyết tranh chấp bằng thương lượng là thể hiện quyền tự do thỏa thuận, tự do định đoạt. Thương lượng là hình thức giải quyết tranh chấp không cần đến vai trò của người thứ ba ngoài các bên tranh chấp. Phương thức này khá phổ biến với ưu điểm là đơn giản nhanh chóng, ít tốt kém, giữ được uy tín giữ được bí mật của các bên tranh chấp, đồng thời không bị ràng buộc bởi các thủ tục pháp lý phức tạp. Phương thức này đòi hỏi các bên phải cùng nhau có thiện chí, trung thực. Kết quả của thương lượng thường là những cam kết, thỏa thuận về những giải pháp cụ thể để gỡ bỏ những bất đồng phát sinh trước đó. Giải quyết tranh chấp về bảo hiểm xã hội bằng phương thức thương lượng là sự thể hiện quyền tự do thỏa thuận, tự do định đoạt của các bên tranh chấp. Các bên tự đề xuất các giải pháp và thỏa hiệp với nhau theo trình tự, thủ tục tự chọn để giải quyết các bất đồng phát sinh mà không bắt buộc phải tuân theo một thủ tục pháp lí nào. Do thể thức đơn giản, ít phiền hà, hiệu quả, ít tốn kém, không gây ra ảnh hưởng xấu trong quan hệ kinh doanh giữa các bên sau tranh chấp mà thương lượng luôn là phương thức ưa chuộng phổ biến, được các bên trong quan hệ tranh chấp ưu tiên lựa chọn trước khi tìm đến các giải pháp khác để giải quyết các tranh chấp về bảo hiểm xã hội. Quá trình thương lượng để giải quyết tranh chấp về bảo hiểm xã hội có thể được thực hiện bằng nhiều cách thức nhu: thương lượng trực tiếp, thương lượng gián tiếp và kết hợp thương lượng trực tiếp với thương lượng gián tiếp. Ngoài ra, thương lượng để giải quyết tranh chấp về bảo hiểm xã hội có thể được thực hiện tại bất cứ thời điểm nào của quá trình giải quyết tranh chấp về bảo hiểm xã hội.
Tuy nhiên, phương thức thương lượng có một số hạn chế như rất khó thực hiện nếu các bên đã mâu thuẫn căng thẳng không có thiện chí với nhau. Kết quả thương lượng hoàn toàn phụ thuộc vào sự tự nguyện của mỗi bên nên giá trị pháp lý không cao. Mặt khác, pháp luật điều chỉnh về thương lượng thường không được quy định cụ thể về các thủ tục thực hiện và giá trị pháp lý của thỏa thuận mà các bên đạt được. Nhiều trường hợp vì thiếu sự thiện chí, hợp tác trong quá trình giải quyết vụ tranh chấp mà một bên đã tìm mọi cách trì hoãn quá trình thương lượng nhằm kéo dài vụ tranh chấp, nhất là khi thời hiệu yêu cầu giải quyết tranh chấp bằng các phương thức khác không còn sẽ gây khó khăn cho các bên tranh chấp.
– Phương thức hòa giải
Hòa giải là phương thức giải quyết tranh chấp về bảo hiểm xã hội với sự tham gia của bên thứ ba độc lập, giữ vai trò trung gian, các bên tranh chấp tự nguyện thỏa thuận với nhau về các giải pháp giải quyết xung đột, mâu thuẫn một cách ổn thỏa. So với thương lượng, sự xuất hiện của người thứ ba trung lập là điểm nổi bật của hòa giải và vì vậy đã tạo nên sự khác biệt đáng kể của phương thức giải quyết tranh chấp này. Vai trò điều phối của người hòa giải rất quan trọng trong quá trình giải quyết tranh chấp. Chủ thể có thẩm quyền hòa giải là người không có quyền lợi liên quan với các bên tham gia hòa giải. Quá trình hòa giải là sự chuẩn bị những điều kiện cần thiết để một trong các bên hoặc cả hai bên có thể sớm đưa vụ việc ra cơ quan tài phán để giải quyết tranh chấp. Đôi khi hòa giải chỉ là thủ tục để các bên đi tiếp hành trình giải quyết tranh chấp. Lúc này, việc tổ chức hòa giải khi đó không nhằm mục đích giải quyết dứt điểm tranh chấp mà đó chỉ là thủ tục để đưa vụ việc ra trước các cơ quan tài phán lao động. Trong quá trình hòa giải, chủ thể thực hiện hòa giải có quyền kiểm soát hoạt động của các bên trên cơ sở các quy tắc hòa giải. Đồng thời cũng sẽ đưa ra những chỉ dẫn và gợi ý về mặt nội dung để các bên lựa chọn cùng quyết định. Tuy nhiên, xét cho cùng, trên tất cả là quyền tự định đoạt của các bên vì người hòa giải không phải là người có quyền áp đặt ý chí, buộc các bên tranh chấp phải tuân theo quyết định về nội dung của vụ tranh chấp nên các bên tranh chấp phải lựa chọn và đi đến quyết định về nội dung của tranh chấp đó.
Phương thức giải quyết này có nhiều ưu điểm như: thủ tục hòa giải được tiến hành nhanh gọn, chi phí thấp, các bên có quyền tự định đoạt, lựa chọn bất kỳ người nào làm trung gian hòa giải cũng như thời gian địa điểm tiến hành hòa giải. Các bên không bị gò bó về mặt thời gian như trong thủ tục tố tụng tại tòa án. Hòa giải mang tính thiện chí nhằm tiếp tục giữ gìn và phát triển các mối quan hệ, tránh tình trạng đối đầu, căng thẳng giữa các bên tranh chấp. Tuy nhiên, giải quyết tranh chấp bằng phương thức hòa giải vẫn còn tồn tại những nhược điểm nhất định như: việc hòa giải có được tiến hành hay không phụ thuộc vào sự nhất trí của các bên; hòa giải viên không có quyền đưa ra một quyết định ràng buộc hay áp đặt bất cứ vấn đề gì đối với các bên tranh chấp; thỏa thuận hòa giải không có tính bắt buộc thi hành như phán quyết của trọng tài hay của tòa án; thủ tục này ít được sử dụng nếu các bên không có sự tin tưởng với nhau.
Tại Việt Nam, đối với tranh chấp an sinh xã hội vai trò của chủ thể hòa giải được áp dụng ở mức độ rất hạn chế. Trong trường hợp các tranh chấp về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp được xác định là tranh chấp lao động mới có thể sử dụng cơ chế này. Theo quy định của Bộ luật lao động năm 2019, chủ thể hòa giải tranh chấp lao động là hòa giải viên lao động. Đây là chủ thể được chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh bổ nhiệm trên cơ sở đề xuất của chủ tịch ủy ban nhân dân cấp huyện. Hòa giải viên lao động chịu sự quản lý trực tiếp của Phòng Lao động Thương binh và Xã hội. Kết quả giải quyết tranh chấp của Hòa giải viên lao động thể hiện ở biên bản hòa giải (biên bản hòa giải thành hoặc biên bản hòa giải không thành) hoặc bằng quyết định của Tòa án nhân dân. Đối với tranh chấp lao động cá nhân, việc hòa giải các tranh chấp về bảo hiểm xã hội không phải là thủ tục bắt buộc. Ngược lại, đối với tranh chấp tập thể về bảo hiểm xã hội thì thủ tục hòa giải là bắt buộc. Đối với các tranh chấp về bảo hiểm xã hội không được xác định là tranh chấp lao động; tranh chấp về ưu đãi xã hội và trợ giúp xã hội không áp dụng cơ chế này.
– Phương thức giải quyết khiếu nại
Khiếu nại là hoạt động diễn ra khá thường xuyên và phổ biến, do đó cụm từ khiếu nại được sử dụng rộng rãi trong đời sống xã hội [1]. Theo đại từ điển tiếng việt, khiếu nại là thắc mắc, đề nghị xem xét lại những kết luận, quyết định do cấp có thẩm quyền đã làm [2]. Theo nghĩa rộng, khiếu nại là việc cá nhân, cơ quan, tổ chức yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xem xét lại quyết định, hành vi khi có căn cứ cho rằng quyết định, hành vi ấy xâm hại đến quyền, lợi ích của mình. Các quyết định, hành vi là đối tượng của khiếu nại là quyết định, hành vi trái pháp luật hoặc không đúng quy định của tổ chức, cộng đồng. Theo nghĩa hẹp: khiếu nại là việc cá nhân, cơ quan, tổ chức yêu cầu chủ thể có thẩm quyền xem xét lại quyết định, hành vi trái pháp luật khi có căn cứ cho rằng quyết định, hành vi ấy xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của mình. Lúc này, khiếu nại được thực hiện trên cơ sở nhận định, đánh giá về tính trái pháp luật của các quyết định, các hành vi.
Giải quyết khiếu nại về bảo hiểm xã hội là việc cơ quan hành chính hoặc người có thẩm quyền thụ lý, xác minh, kết luận và ra quyết định giải quyết khiếu nại do pháp luật quy định đối với các quyết định hành chính, hành vi hành chính, quyết định, hành vi về bảo hiểm xã hội của chủ thể có thẩm quyền khi người khiếu nại có căn cứ cho rằng các quyết định, hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm đến quyền lợi hợp pháp của mình. Giải quyết khiếu nại là phương thức giải quyết tranh chấp về bảo hiểm xã hội rất phổ biến với những ưu điểm như: người có quyết định, hành vi bị khiếu nại là người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu và cũng là người hiểu rất rõ về nội dung vụ việc khiếu nại nên việc giải quyết tranh chấp có thể được tiến hành nhanh chóng hơn, người ra quyết định, hoặc thực hiện hành vi bị khiếu nại có cơ hội để nhìn nhận lại quyết định, hành vi của mình để rút kinh nghiệm trong công việc… Tuy nhiên, phương thức này cũng có nhược điểm như việc giải quyết của một số cơ quan hành chính có tính chất khép kín, khó đảm bảo công khai. Vì vậy nhiều trường hợp việc giải quyết còn tình trạng nể nang, né tránh, thiếu khách quan.
Hiện nay, trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại về an sinh xã hội được thực hiện theo Luật Khiếu nại, tố cáo và các văn bản hướng dẫn thi hành. Về cơ bản, trình tự, thủ tục thụ lý vụ khiếu nại về an sinh xã hội bao gồm: Thụ lý giải quyết khiếu nại; Xác minh nội dung khiếu nại; Tổ chức đối thoại; Ra quyết định giải quyết khiếu nại.
– Phương thức trọng tài
Giải quyết tranh chấp bằng trọng tài là một hình thức giải quyết tranh chấp không thể thiếu trong nền kinh tế thị trường và ngày càng được các chủ thể tranh chấp ưa chuộng. Đó là hình thức giải quyết tranh chấp thông qua hoạt động của một hội đồng gồm nhiều trọng tài hoặc một trọng tài viên với tư cách là bên thứ ba độc lập nhằm giải quyết mâu thuẫn tranh chấp bằng việc đưa ra phán quyết có giá trị bắt buộc các bên phải thi hành. Phương thức giải quyết tranh chấp này là có tính linh hoạt, tạo quyền chủ động cho các bên, nhanh chóng, tiết kiệm được thời gian.
Phương thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài có các ưu điểm sau: về tổ chức, trọng tài được tổ chức đơn giản và gọn nhẹ. Trọng tài có thể là một tổ chức do nhà nước thành lập hoặc do các cá nhân tự tổ chức theo quy định của pháp luật (trọng tài quy chế). Tổ chức bộ máy của trọng tài quy chế rất gọn nhẹ, bao gồm chủ tịch, thư ký và các trọng tài viên. Trọng tài cũng có thể là trọng tài viên duy nhất hoặc hội đồng trọng tài do các bên tranh chấp lựa chọn hoặc do cơ quan nhà nước có thẩm quyền chỉ định (trọng tài vụ việc). Sự gọn nhẹ trong tổ chức sẽ là điều kiện để thực hiện sự đơn giản, linh hoạt về thủ tục, sự giảm thiểu về thời gian, kinh phí cho các bên. Đó chính là những ưu thế của trọng tài so với tố tụng tòa án trong những trường hợp nhất định.
Về thủ tục, giải quyết tranh chấp bằng trọng tài được thực hiện theo thủ tục đơn giản và linh hoạt. Khác với thương lượng, trung gian, hoà giải, trọng tài được xếp vào hệ thống tài phán ở các quốc gia bởi quá trình trọng tài là quá trình đưa ra phán quyết về vụ tranh chấp đã thụ lý. Thủ tục trọng tài thường do các bên tranh chấp tự lựa chọn cho phù hợp với tính chất và yêu cầu của từng loại tranh chấp. Trường hợp pháp luật có quy định thủ tục cho trọng tài bắt buộc thì đó cũng chỉ là những quy định mang tính nguyên tắc chung, linh hoạt và gọn nhẹ. Tùy theo diễn biến từng vụ việc mà các trọng tài viên hoặc hội đồng trọng tài áp dụng một cách linh hoạt.
Tuy nhiên, giải quyết bằng phương thức trọng tài đòi hỏi chi phí tương đối cao, vụ việc giải quyết càng kéo dài thì phí trọng tài càng cao. Trọng tài có thể gặp khó khăn trong quá trình giải quyết tranh chấp, đặc biệt là những tranh chấp phức tạp về những vấn đề như: xác minh thu thập chứng cứ, triệu tập nhân chứng… Do trọng tài không có bộ máy giúp việc và cơ quan thi hành, cưỡng chế như tòa án nên có rất nhiều trường hợp trọng tài khó lấy được thông tin cá nhân nếu như bên đó không hợp tác; việc thi hành quyết định trọng tài không phải lúc nào cũng trôi chảy, thuận lợi, không có quy định về thủ tục tái thẩm. Cơ quan có thẩm quyền giải quyết là Hội động trọng tài lao động (thông qua ban trọng tài).
Tại Việt Nam, Hội đồng trọng tài lao động do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thành lập với sự tham gia của các thành viên do tổ chức đại diện người lao động cấp tỉnh và tổ chức đại diện người sử dụng lao động trên địa bàn tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương đề cử. Ngoài ra, thành viên của Hội đồng trọng tài còn có sự tham gia của các thành viên do Sở Lao động Thương binh và Xã hội đề cử (bao gồm Chủ tịch và Thư ký Hội đồng). Hội đồng trọng tài lao động lao động có thẩm quyền giải quyết tất cả các tranh chấp lao động (tranh chấp lao động cá nhân và tranh chấp lao động tập thể). Việc trực tiếp giải quyết tranh chấp lao động do ban trọng tài bao gồm 03 thành viên thực hiện, trong đó, mỗi bên tranh chấp sẽ chọn một trọng tài viên và hai trọng tài viên được chọn này sẽ chọn một trong số các thành viên Hội đồng trọng tài lao động làm trưởng ban trọng tài lao động.
– Phương thức xét xử tại tòa án
Đây là phương thức giải quyết tranh chấp được thực hiện bởi một cơ quan nhà nước có thẩm quyền là tòa án. Do được tiến hành bởi một cơ quan tài phán mang quyền lực nhà nước nên trình tự, thủ tục giải quyết tranh chấp về bảo hiểm xã hội phải tuân theo các quy định chặt chẽ của pháp luật tố tụng. Đồng thời, quy trình tố tụng cũng cần trải qua nhiều cấp xét xử, nhiều giai đoạn để đưa đến được phán quyết mang tính pháp lý cuối cùng, áp dụng đối với các bên tranh chấp. Do đó, phương thức này bộc lộ nhiều hạn chế về thời gian, tài chính và công sức cho các bên tranh chấp.
Với những vụ việc tranh chấp mà các bên không thể đạt được sự thống nhất về phương án giải quyết thông qua thương lượng và hòa giải, khiếu nại hay trọng tài thì tòa án là phương thức mà các bên tranh chấp lựa chọn để đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của mình một cách triệt để. Những người tiến hành tố tụng và tham gia giải quyết tranh chấp về bảo hiểm xã hội đều là những người có kiến thức chuyên sâu về bảo hiểm xã hội , có nhiều kinh nghiệm trong công tác xét xử, luôn tuân thủ các nguyên tắc tố tụng, họ sẽ đưa ra một phán quyết hợp lý và hợp pháp nhất. Đồng thời, tòa án cũng sẽ đóng vai trò hòa giải cho những mâu thuẫn, bất đồng, xử lý các hiểu lầm, thắc mắc giữa các bên một cách hiệu quả nhất, nhằm đảm bảo các vấn đề trong quan hệ bảo hiểm xã hội được giải quyết ổn thỏa và dứt điểm. Đối với những quyết định, hành vi, quyết định hành chính, hành vi hành chính về bảo hiểm xã hội , tòa án đánh giá tính hợp pháp của các quyết định, hành vi đó.
Phương thức giải quyết tranh chấp về bảo hiểm xã hội bằng tòa án có ưu điểm là phương pháp đảm bảo tính tuân thủ khi đã có phán quyết của tòa án. Việc thi hành phán quyết của tòa án được thực hiện bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền nên mang tính răn đe và bảo đảm hơn. Từ đó, quyền và lợi ích chính đáng của các bên sẽ được bảo vệ. Tuy nhiên, nhược điểm của phương thức giải quyết tranh chấp bằng tòa án là quy trình tố tụng thường kéo dài. Tòa án thường áp dụng các quy tắc và quy định pháp lý cụ thể để giải quyết tranh chấp. Điều này có thể giới hạn khả năng tìm ra các giải pháp sáng tạo và linh hoạt, đặc biệt đối với những tranh chấp phức tạp và đa phương diện. Các phương pháp giải quyết tranh chấp thông qua tòa án thường không khuyến khích sự hợp tác và đàm phán giữa các bên trong quan hệ tranh chấp bảo hiểm xã hội .
Hiện nay, mô hình giải quyết tranh chấp về bảo hiểm xã hội tương đối đa dạng ở các quốc gia. Chẳng hạn, ở Thụy Điển, các tranh chấp giữa người lao động và người sử dụng lao động về bảo hiểm xã hội được giải quyết theo thủ tục giải quyết vụ án hành chính. Trường hợp người lao động không hài lòng với quyết định của tổ chức bảo hiểm, họ có thể yêu cầu tổ chức bảo hiểm xã hội xem xét lại. Sau khi được xem xét lại quyết định, người lao động vẫn không hài lòng với kết quả, họ có thể khiếu nại lên tòa án hành chính. Các quyết định của tòa án này, theo một số điều kiện, được xem xét bởi tòa án hành chính phúc thẩm. Trong một số trường hợp, điều này các quyết định của tòa án sau này có thể được tòa án hành chính tối cao xem xét [3]. Ở Đức, hệ thống tòa án được tổ chức tại cấp liên bang và cấp bang. Đức có 05 hệ thống tòa án chuyên biệt, bao gồm: hệ thống tòa án thường xét xử các tranh chấp về dân sự và các vụ án hình sự; hệ thống tòa án lao động; hệ thống tòa án hành chính; hệ thống tòa án tài chính và hệ thống tòa án về xã hội. Tranh chấp về bảo hiểm xã hội được xác định là tranh chấp xã hội và nhánh toà án xã hội có thẩm quyền xét xử đối với các vụ kiện liên quan đến bảo hiểm xã hội. Ở Úc, những người nộp đơn/ người yêu cầu hoặc những người thụ hưởng (theo luật) an sinh xã hội Úc nếu bị thiệt hại (hoặc không chấp kết quả) do quyết định của các tổ chức an sinh xã hội (sau khi được tổ chức liên quan xem xét lại) có thể tiếp cận tòa án phúc thẩm an sinh xã hội (the social security appeals tribunal – SSAT) là một tòa án được thành lập để xem xét các quyết định được đưa ra theo đạo luật dịch vụ xã hội úc, sau đó là tòa phúc thẩm hành chính (AAT), tòa án liên bang, tòa án cấp cao cao, tòa kháng cáo và cuối cùng là tòa án tối cao [4]. Ở Trung Quốc và Việt nam, tranh chấp về bảo hiểm xã hội chủ yếu được giải quyết bằng khiếu nại, tố tụng hành chính và giải quyết tranh chấp lao động. Những vấn đề bảo hiểm xã hội trong quan hệ lao động giữa người lao động và người sử dụng lao động được giải quyết theo cơ chế giải quyết tranh chấp lao động. Các vấn đề bảo hiểm xã hội khác và liên quan đến trách nhiệm của cơ quan, tổ chức nhà nước thì được giải quyết theo cơ chế khiếu nại hành chính và tố tụng hành chính [5].
Thông thường, sau khi nhận được hồ sơ vụ kiện từ bộ phận thụ lý, thẩm phán sẽ tiến hành kiểm tra nội dung vụ kiện, xem xét yêu cầu của các bên. Quá trình trung gian hòa giải có thể được xem như thủ tục bắt buộc. Thành phần được triệu tập bao gồm các bên đương sự hoặc người đại diện của họ cùng với luật sư (nếu có). Tại phiên hòa giải, thẩm phán sẽ cùng với các bên xem xét các vấn đề như: các bên có thật sự tranh chấp với nhau hay không, các vấn đề mà các bên đang tranh chấp và những vấn đề có liên quan. Trên cơ sở đó, các bên có thể tìm kiếm cơ hội để có thể thương lượng với nhau. Trong trường hợp các bên không thể thương lượng với nhau, thẩm phán quyết định đưa vụ kiện ra xét xử và ra phán quyết về vụ kiện đó. Phán quyết của tòa án sẽ được ban hành trên cơ sở thẩm phán nắm bắt được đầy đủ thông tin về quan hệ giữa các bên do đó có tính khả thi cao. Sau khi tuyên bắt buộc các bên phải thi hành.
- Kết luận
Như vậy, các phương thức giải quyết tranh chấp về bảo hiểm xã hội rất da dạng. Việc sử dụng phương thức nào phụ thuộc vào nhiều yếu tố như điều kiện của các bên tranh chấp, quy định pháp luật của mỗi quốc gia. Để việc giải quyết tranh chấp về bảo hiểm xã hội diễn ra nhanh chóng, thuận lợi, tôn trọng quyền, nghĩa vụ và lợi ích của các bên, pháp luật mỗi quốc gia cần nghiên cứu để xây dựng một cơ chế giải quyết tranh chấp phù hợp với hoàn cảnh lịch sử, chính trị và kinh tế xã hội vừa đảm bảo các yêu cầu khách quan của hoạt động giải quyết tranh chấp.
Tài liệu tham khảo:
[1] Nhóm biên soạn, Từ điển Anh – Việt (1990), Nhà xuất bản Đồng Nai
[2] Nguyễn Như Ý (1998), Đại từ điển Tiềng Việt, Nxb Văn hóa thông tin, Hà Nội, tr.904
[3] Hội đồng Châu Âu, Social Affairs & Inclusion, Your social security rights in Sweden (Vấn đề Xã hội & Hòa nhập, Quyền an sinh xã hội ở Thụy Điển) , European Union, 2013
[4] Trung tâm thông tin Úc – A Guide to Payments and Services (Hướng dẫn chi trả và các dịch vụ), Chương 14 – Đánh giá và khiếu nại, đăng trên trang web của Trung tâm thông tin Úc (Centrelink)
[5] Luisa Carmona, Mélisande Masson, Kroum Markov và Maya Stern Plaza (2021), Complaint and appeals mechanisms: Protecting the right to social security (Cơ chế khiếu nại, tố cáo: Bảo vệ quyền an sinh xã hội), Bài viết được công bố bởi Tổ chức lao động Quốc tế ILO tháng 11/2021, đăng trên trang web chính thức của ILO.
** Giảng viên Khoa Luật – Trường Đại học Mở Hà Nội, Email: [email protected]