Các quy định pháp luật về hình thức đưa người lao động Việt Nam đi làm việc tại nước ngoài và một số kiến nghị hoàn thiện
![](https://luatlaodong.com.vn/wp-content/uploads/2024/02/about-02.jpg)
Bài đăng trên Tạp chí Pháp luật và Phát triển, số 11 năm 2023.
Tóm tắt:
Đưa người lao động (NLĐ) Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là một chủ trương lớn nhằm giải quyết việc làm bền vững trong bối cảnh thị trường lao động chưa phát triển ở nước ta. Ngoài ra, khi hội nhập kinh tế là xu thế tất yếu của thế giới thì việc di chuyển lao động giữa các quốc gia trở lên phổ biến hơn. Bài viết nghiên cứu thực trạng pháp luật Việt Nam về hình thức đưa NLĐ đi làm việc tại nước ngoài trên cơ sở phân tích chủ yếu các quy định của Luật NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng năm 2020. Các phân tích này là cơ sở để xây dựng các kiến nghị nhằm hoàn thiện pháp luật và nâng cao hiệu quả thực hiện pháp luật về hình thức đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Từ khoá: lao động đi làm việc ở nước ngoài, lao động di cư, hợp đồng lao động, quyền của lao động di cư, pháp luật lao động
Abstract
Sending Vietnamese workers to work abroad is a major policy to create sustainable jobs in the context of an underdeveloped labor market in our country. In addition, when economic integration is an inevitable trend in the world, labor movement between countries becomes more common. The article studies the current state of Vietnamese law on the form of sending workers to work abroad based on the main analysis of the provisions of the Law on Vietnamese workers working abroad under contracts in 2020. This analysis is the basis for developing recommendations to improve the law and improve the effectiveness of implementing the law on the form of sending employees to work abroad under contracts.
Keywords: Vietnamese guest workers, migrant workers, labor contracts, rights of migrant workers, labor law
- Hình thức đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo pháp luật hiện hành
Đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài là hoạt động kinh tế đối ngoại quan trọng đối với mỗi quốc gia, nhất là ở các nước đang phát triển. Tại Việt Nam, hoạt động đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài bắt đầu phát triển từ cuối thập niên 70 của thế kỷ XX. Trong giai đoạn này, nền kinh tế Việt Nam gặp nhiều khó khăn khi sản xuất công nghiệp trì trệ, mô hình hợp tác xã không tạo ra cạnh tranh nên không kích thích được sản xuất. Ngoài ra, các khoản nợ sau chiến tranh và hai cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam và phía Bắc đã ảnh hưởng nặng nề lên nền kinh tế. Để ứng phó với tình hình này, Việt Nam có chủ trương đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài (chủ yếu các nước xã hội chủ nghĩa, một số nước ở Trung Đông và châu Phi) dưới hình thức hợp tác lao động[1]. Đây là biện pháp giải quyết vấn đề an sinh xã hội, giảm tỷ lệ thất nghiệp, xóa đói, giảm nghèo, nâng cao trình độ lao động, tác phong làm việc của NLĐ. Biện pháp này được gọi bằng nhiều thuật ngữ như “hợp tác quốc tế về lao động”[2],“xuất khẩu lao động” hay “người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài”[3]. Về cơ bản, các hình thức pháp lý trong Luật NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng năm 2020 có sự kế thừa từ Luật NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng năm 2006. Mặc dù, các hình thức pháp lý này có đối tượng và mục đích khác nhau nhưng đều có điểm chung là đều xác lập hợp đồng để NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài. Đối tượng này là công dân Việt Nam từ đủ 18 tuổi trở lên cư trú tại Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài. Nếu công dân Việt Nam đang cư trú ở nước ngoài và sau đó sang quốc gia khác để làm việc thì sẽ không được coi là NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài. Việc di cư ra nước ngoài của NLĐ phải xuất phát từ quốc gia mà NLĐ mang quốc tịch. So với khái niệm mà Liên Hợp quốc đưa ra thì những đối tượng được coi là NLĐ đi làm việc ở nước ngoài của Việt Nam hẹp hơn. Bởi lẽ, theo khoản 1 điều 2 Công ước quốc tế về bảo vệ quyền của tất cả những NLĐ di trú và các thành viên gia đình họ (1990) chỉ quy định NLĐ di trú “để chỉ một người đã, đang và sẽ làm một công việc có hưởng lương tại một quốc gia mà người đó không phải là công dân”. Văn bản này không xác định NLĐ trước khi làm việc ở nước ngoài phải cư trú tại ở đâu theo góc độ nhìn nhận của cả quốc gia gửi lao động và quốc gia tiếp nhận lao động. Dù đi lao động ở nước ngoài theo hình thức nào được liệt kê ở phần trên, NLĐ đều phải có HĐLĐ[4]. Đây là hình thức pháp lý quan trọng để nhận diện quan hệ lao động (QHLĐ), góp phần kiểm soát, quản lý hoạt động đưa NLĐ đi làm việc tại nước ngoài; thuận lợi cho việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của NLĐ. Trong trường hợp cần thiết, HĐLĐ là cơ sở để cơ quan có thẩm quyền xử lý những hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động đưa NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài. Theo Điều 5 Luật NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng năm 2020, các hình thức đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài bao gồm:
1.1.
Đây là hình thức mới được bổ sung tại Luật NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng năm 2020. Chủ thể thực hiện đưa NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc bộ, cơ quan thuộc Chính phủ được giao nhiệm vụ đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng[5]. Hiện nay, Bộ LĐTB&XH, Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được Chính phủ cho phép thỏa thuận với một số nước đưa chuyên gia và NLĐ đi làm việc ở nước ngoài và đã giao cho các đơn vị sự nghiệp trực thuộc thực hiện.
Đơn vị sự nghiệp đưa NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng hoạt động phi lợi nhuận và không được thu tiền dịch vụ của NLĐ và có trách nhiệm ký kết hợp đồng cung ứng lao động với bên nước ngoài tiếp nhận lao động trong trường hợp thỏa thuận quốc tế có yêu cầu. Hợp đồng đưa NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài ký giữa NLĐ và đơn vị sự nghiệp phải phù hợp với pháp luật Việt Nam, pháp luật nước, vùng lãnh thổ tiếp nhận lao động, thỏa thuận quốc tế và hợp đồng cung ứng lao động ký kết với bên nước ngoài tiếp nhận lao động (nếu có)[6]. Về biện pháp đảm bảo thực hiện hợp đồng, đơn vị sự nghiệp và NLLĐ thỏa thuận về biện pháp ký quỹ phù hợp với thỏa thuận quốc tế. Trường hợp thỏa thuận quốc tế không có quy định về biện pháp ký quỹ thì đơn vị sự nghiệp và NLĐ thỏa thuận về việc ký quỹ theo quy định của pháp luật dân sự nhưng giá trị không vượt quá mức trần tiền ký quỹ quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định số 112/2021/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành quy định chi tiết một số điều của Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Việc cho phép các tổ chức sự nghiệp thực hiện đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài đã góp phần làm đa dạng hóa các hình thức đi làm việc ở nước ngoài, tạo cơ hội để NLĐ đi làm việc ở nước ngoài với chi phí thấp hơn, thu nhập cao hơn. Hàng năm, số lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hình thức này chiếm 11%, đứng thứ hai sau doanh nghiệp dịch vụ[7]. Hiệu quả kinh tế và xã hội mà hình thức này mang lại cũng rất lớn. Nếu tính mức lương trung bình NLĐ đi làm việc ở nước ngoài qua tổ chức sự nghiệp là 1.000 – 1.200 USD/ tháng (làm việc tại Hàn Quốc và Nhật Bản) thì bình quân, hàng năm lượng ngoại tệ đem về cho đất nước khoảng trên 700 triệu USD và chiếm khoảng 35% tổng số lượng ngoại tệ đem về cho đất nước thông qua hoạt động đưa NLĐ Việt Nam đi làm việc tại nước ngoài[8]. NLĐ không phải chịu chi phí cao do các tổ chức sự nghiệp không hoạt động vì mục đích lợi nhuận; quyền lợi của NLĐ được bảo đảm do được quy định trong các thỏa thuận quốc tế. Tuy nhiên, không nhiều nước nhận lao động và chuyên gia thực hiện theo hình thức này.
Dưới góc độ xã hội, hình thức này đã tạo ra cơ hội để các đối tượng chính sách xã hội như người nghèo, người dân tộc v.v… được đi làm việc ở nước ngoài, qua đó vừa tăng thu nhập để góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao nhận thức và cải thiện chất lượng lao động các vùng sâu, vùng xa. Quyền và lợi ích hợp pháp của NLĐ được đảm bảo tốt hơn. Thông thường, các điều kiện khi đi làm việc ở nước ngoài, chế độ, quyền lợi của NLĐ đi làm việc ở nước ngoài thông qua hình thức này đã được đưa vào thỏa thuận cấp Bộ. Vì thế, khi triển khai thực hiện, quyền và lợi ích hợp pháp của NLĐ luôn được đảm bảo, các phát sinh tranh chấp liên quan tới NLĐ và chủ sử dụng lao động trong quá trình làm việc ở nước ngoài thường không nhiều và ngay cả khi có phát sinh, sự phối hợp xử lý, giải quyết của các cơ quan chức năng của hai nước cũng rất kịp thời nên hầu như không có những vấn đề phức tạp liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của NLĐ xảy ra.Quy định này nhằm tạo cơ sở pháp lý cho việc hợp thức hoá các thỏa thuận gửi và tiếp nhận lao động giữa các địa phương của Việt Nam với địa phương của các nước như tỉnh Cao Bằng, tỉnh Lạng Sơn ký với thành phố Sùng Tả, Quảng Tây của Trung Quốc, tỉnh Quảng Ninh ký với thành phố Phòng Thành Cảng, khu Tự trị Dân tộc Choang, Trung Quốc, …) các thoả thuận hợp tác quản lý lao động. Đây là hình thức hợp tác mới, phát sinh trong quá trình các địa phương có hợp tác nhiều lĩnh vực với nhau, trong đó có thúc đẩy hợp tác lao động với Hàn Quốc hoặc nhằm tạo cơ sở pháp lý cho người dân thuận lợi trong đi lại, tìm việc qua biên giới (với Trung Quốc). Điều này là phù hợp với xu hướng di chuyển lao động của ta đã và đang theo hướng ngày càng đa dạng và hội nhập sâu với thế giới;nhiều phương thức hợp tác, dịch chuyển lao động mới phát sinh.
1.2 Hợp đồng việc đưa NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài ký với doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân
Hình thức này được thực hiện thông qua Doanh nghiệp Việt Nam hoạt động dịch vụ đưa NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; Doanh nghiệp Việt Nam trúng thầu, nhận thầu công trình, dự án ở nước ngoài; Doanh nghiệp Việt Nam đưa NLĐ Việt Nam đi đào tạo, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề ở nước ngoài; Tổ chức, cá nhân Việt Nam đầu tư ra nước ngoài.
Trong các hình thức đưa NLĐ đi làm việc tại nước ngoài, hình thức phổ biến nhất là thông qua doanh nghiệp Việt Nam hoạt động dịch vụ đưa NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Đối với hình thức này có sự xuất hiện của 03 chủ thể, bao gồm: doanh nghiệp dịch vụ làm trung gian; Bên tiếp nhận NLĐ ở nước ngoài; NLĐ Việt Nam. Hoạt động đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài được diễn ra bởi sự kết hợp giữa NLĐ (bên được đưa đi) và doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài (bên đưa đi).
Doanh nghiệp dịch vụ chuẩn bị nguồn lao động trước khi đăng ký hợp đồng cung ứng lao động khi có yêu cầu của bên nước ngoài tiếp nhận lao động hoặc theo thỏa thuận hợp tác với bên nước ngoài tiếp nhận lao động và chỉ được thực hiện sau khi Bộ LĐTB&XH có văn bản chấp thuận. Giữa doanh nghiệp dịch vụ Việt Nam với bên nước ngoài tiếp nhận lao động sẽ ký hợp đồng cung ứng lao động. Nội dung chi tiết của hợp đồng cung ứng lao động được căn cứ theo thị trường, ngành, nghề, công việc[9]. Khi NLĐ có nhu cầu được sang nước ngoài làm việc và một bên có đủ khả năng đưa NLĐ sang nước ngoài làm việc, hai bên có thể thỏa thuận triển khai trên thực tế thông qua một hợp đồng mang tên “Hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài”. Nội dung của hợp đồng thể hiện quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong quá trình đưa NLĐ sang nước ngoài làm việc. Hầu hết các nước công nhận hoạt động đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài đều có chung một cách nhìn nhận và cho rằng đây là quan hệ có tính “dịch vụ” trong hợp đồng đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài.
Doanh nghiệp đưa NLĐ đi làm việc tại nước ngoài cần đáp ứng các điều kiện chặt chẽ bởi đây là loại hình kinh doanh có điều kiện; chỉ được thực hiện bởi doanh nghiệp Việt Nam có giấy phép hoạt động dịch vụ đưa NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng do Bộ trưởng Bộ Lao động thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) cấp[10]. Pháp luật hiện hành đã bỏ quy định về bốn pháp định và thay thế bằng vốn điều lệ (5 tỷ đồng) trong việc đăng ký thành lập doanh nghiệp. Ngoài ra, Luật NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài còn nâng cao điều kiện đối với ký quỹ[11], người đại diện theo pháp luật, nhân viên nghiệp vụ, cơ sở vật chất và trang thông tin điện tử của doanh nghiệp, bỏ các quy định về phương án tổ chức bộ máy và đề án hoạt động[12], bổ sung quy định phải duy trì các điều kiện hoạt động nêu trên trong suốt quá trình hoạt động đối với doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng để đảm bảo lựa chọn những doanh nghiệp thực sự có năng lực tài chính, có bộ máy đảm bảo hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh có điều kiện và rất đặc thù này, bảo vệ có hiệu quả quyền và lợi ích hợp pháp của NLĐ.
Theo quy định tại điều 26 Luật NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng năm 2020, doanh nghiệp dịch vụ có các quyền cơ bản như: Ký kết và thực hiện hợp đồng, thỏa thuận liên quan đến việc đưa NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; Tìm kiếm, phát triển thị trường lao động ở nước ngoài; cung cấp thông tin, quảng cáo, tư vấn về cơ hội việc làm ở nước ngoài…[13]; Thỏa thuận với NLĐ về tiền dịch vụ, tiền ký quỹ, bảo lãnh để thực hiện hợp đồng đưa NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài; Đơn phương thanh lý hợp đồng đưa NLĐ; Khiếu nại, khởi kiện về quyết định hoặc hành vi vi phạm pháp luật tong lĩnh vực NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Doanh nghiệp dịch vụ đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài có các nghĩa vụ cơ bản như: Niêm yết công khai bản sao Giấy phép tại trụ sở chính và đăng tải Giấy phép trên trang thông tin điện tử của doanh nghiệp; Thực hiện cam kết ưu tiên tuyển chọn NLĐ đã tham gia chuẩn bị nguồn của doanh nghiệp, quảng cáo, tư vấn, tuyển chọn lao động đúng quy định; Tổ chức và cấp giấy chứng nhận hoàn thành khóa học định hướng cho NLĐ; Tổ chức quản lý, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của NLĐ do doanh nghiệp đưa đi làm việc ở nước ngoài; Đóng góp vào Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước…
Tính đến hết tháng 3/2023, cả nước đã có trên 500 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này hoạt động trên 40 thị trường tại nhiều quốc gia trên thế giới. Những thị trường này về cơ bản là những quốc gia có thu nhập cao, có điều kiện làm việc tốt, như Đức, Ba Lan, Séc… Ngoài ra, tại những thị trường truyền thống như Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, Nhật Bản…, số lượng NLĐ đi làm việc tại đây đều gia tăng hằng năm. NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài chủ yếu trong các lĩnh vực sản xuất chế tạo (cơ khí, dệt may, giầy da, lắp ráp điện tử v.v.), xây dựng, nông nghiệp, thủy sản, dịch vụ (chăm sóc người già, người bệnh, giúp việc gia đình)[14].
Đối với hình thức đưa NLĐ đi nước ngoài làm việc thông qua doanh nghiệp Việt Nam trúng thầu, nhận thầu công trình, dự án ở nước ngoài hoặc thông qua tổ chức, cá nhân Việt Nam đầu tư ra nước ngoài thì thì doanh nghiệp Việt Nam trúng thầu hoặc nhận thầu ở nước ngoài hoặc tổ chức, cá nhân Việt Nam đầu tư ra nước ngoài có đưa NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài sẽ ký HĐLĐ đối với NLĐ Việt Nam. Doanh nghiệp trúng thầu, nhận thầu hoặc tổ chức, cá nhân đầu tư ra nước ngoài trực tiếp quản lý, điều hành NLĐ và bảo đảm các quyền và lợi ích hợp pháp cho NLĐ. Hình thức này tăng cơ hội và sự lựa chọn đi làm việc ở nước ngoài của NLĐ nhiều hơn, thuận lợi hơn; quyền và lợi ích hợp pháp của NLĐ được đảm bảo hơn; các đối tượng chủ động nguồn nhân lực để thực hiện các dự án trúng thầu, nhận thầu hay đầu tư ra nước ngoài. Hiện nay, pháp luật đã quy định hành lang pháp lý về điều kiện để các đối tượng này đưa NLĐ ra nước ngoài làm việc; hồ sơ, thủ tục các đối tượng cần thực hiện để báo cáo Bộ LĐTB&XH, quyền và nghĩa vụ của các đối tượng có liên quan. Đặc biệt, doanh nghiệp trúng thầu hay nhận thầu ở nước ngoài, tổ chức, cá nhân đầu tư ra nước ngoài phải thỏa thuận bằng phụ lục hợp đồng lao động với NLĐ nội dung bổ sung về thời hạn làm việc, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, làm thêm giờ, tiền lương, điều kiện làm việc, điều kiện sinh hoạt, chế độ khám bệnh, chữa bệnh và quyền lợi, chế độ khác phù hợp với phương án đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài phù hợp với pháp luật Việt Nam, pháp luật của nước mà người lao động đến làm việc.
Đối với doanh nghiệp Việt Nam đưa NLĐ Việt Nam đi đào tạo, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề ở nước ngoài phải ký hợp đồng nhận lao động thực tập với cơ sở tiếp nhận thực tập ở nước ngoài để đưa người lao động Việt Nam đi đào tạo, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề ở nước ngoài và được cơ quan có thẩm quyền chấp nhận[15]. Ngoài ra, doanh nghiệp Việt Nam phải ký hợp đồng đào tạo nghề ở nước ngoài với NLĐ của doanh nghiệp về việc đào tạo, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề ở nước ngoài. Về cơ bản, pháp luật đã quy định điều kiện, các loại hợp đồng, nội dung chính của các hợp đồng, hồ sơ, thủ tục, trình tự đăng ký hợp đồng, quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp đưa NLĐ đi làm việc theo hình thức này. Theo quy định tại điều 41 Luật NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, doanh nghiệp có các quyền như yêu cầu NLĐ bồi thường thiệt hại do NLĐ gây ra theo hợp đồng đào tạo nghề ở nước ngoài; Khiếu nại, khởi kiện về quyết định hoặc hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực NLĐ Việt Nam đi lạm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Doanh nghiệp có các nghĩa vụ cơ bản như Thông tin đầy đủ, chính xác, rõ ràng về các nội dung quy định tại khoản 2 Điều 37 của Luật này; Ký kết hợp đồng đào tạo nghề trước khi NLĐ đi đào tạo, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề ở nước ngoài; Tổ chức để NLĐ trước khi đi đào tạo, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề ở nước ngoài được tham gia khóa học giáo dục định hướng và được cấp giấy chứng nhận hoàn thành khóa học giáo dục định hướng;…
NLĐ đi làm việc ở nước ngoài theo hình thức này thực chất là hình thức NLĐ đi học nghề ở nước ngoài dưới dạng tu nghiệp sinh, thực tập sinh hoặc một cách đơn giản hơn là học nghề để nâng cao khả năng làm việc. Hình thức này thường áp dụng ở những doanh nghiệp muốn đưa NLĐ có trình độ tay nghề tại doanh nghiệp đi học nghề để nâng cao trình độ nghề hơn nữa sau đó về làm việc cho doanh nghiệp.
So với Luật NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài năm 2006, Luật NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài năm 2020 đã bổ sung cụ thể một số nghĩa vụ của doanh nghiệp dịch vụ như công khai thông tin về điều kiện hoạt động, thị trường, điều kiện tuyển chọn…Thông qua các quy định này NLĐ đi làm việc ở nước ngoài qua các doanh nghiệp hoạt động dịch vụ sẽ được bảo vệ tốt hơn nhờ vào việc đặt ra yêu cầu cao hơn về năng lực, uy tín và trách nhiệm của doanh nghiệp dịch vụ. NLĐ đi theo hình thức doanh nghiệp trúng thầu, nhận thầu được bảo vệ tốt hơn nhờ vào các quy định chặt chẽ về ký kết hợp đồng trúng thầu, nhận thầu, hợp đồng đào tạo nghề, các quy định về báo cáo và việc đảm bảo, quyền, lợi ích của NLĐ trong thời gian làm việc ở nước ngoài. Ngoài ra, NLĐ đi làm việc theo hình thức trực tiếp tìm kiếm việc làm và giao kết hợp đồng sau khi xuất cảnh sẽ được bảo vệ tốt hơn nhờ vào việc khai báo trực tuyến về HĐLĐ đã ký kết ở nước ngoài. Thông qua hoạt động này, cơ quan lao động và cơ quan đại diện ngoại giao có thể can thiệp, hỗ trợ kịp thời, hiệu quả khi có phát sinh trong QHLĐ ở nước ngoài. Đồng thời Luật đã bổ sung nghĩa vụ của NLĐ sau khi đi làm việc ở nước ngoài trở về phải “thông báo với cơ quan đăng ký cư trú nơi trước khi đi làm việc ở nước ngoài hoặc nơi ở mới sau khi về nước theo quy định của Luật Cư trú trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhập cảnh”[16]. NLĐ Việt Nam làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng sẽ không cần hoàn trả tiền môi giới cho doanh nghiệp dịch vụ. Từ đó giúp NLĐ giảm thiểu chi phí tiền dịch vụ khi đi làm việc ở nước ngoài. Ngoài ra, NLĐ đi làm việc ở nước ngoài theo các hình thức khác nhau có thêm một số quyền và nghĩa vụ riêng[17].
1.3 Hợp đồng lao động do người lao động Việt Nam trực tiếp giao kết với người sử dụng lao động ở nước ngoài
Theo quy định tại khoản 1 Điều 52 Luật NLĐViệt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng 2020 thì hợp đồng lao động trực tiếp giao kết được hiểu là văn bản thỏa thuận giữa người lao động Việt Nam với người sử dụng lao động ở nước ngoài về việc làm có trả công, tiền lương, điều kiện lao động, quyền, nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động này.Đối với hình thức di cư ra nước ngoài làm việc theo hình thức hợp đồng cá nhân. Theo quy định tại Luật về NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, NLĐ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng cá nhân phải đăng ký Hợp đồng cá nhân tại Sở LĐTBXH nơi NLĐ thường trú và phải đăng ký công dân tại cơ quan đại diện ngoại giao, lãnh sự Việt Nam tại nước mà NLĐ đến làm việc. Quy định này đã tạo điều kiện cho hàng nghìn NLĐ đi làm việc ở nước ngoài, đặc biệt là lao động có trình độ cao trong bối cảnh tự do hóa thương mại, thành lập cộng đồng kinh tế ASEAN và việc Việt Nam tham gia các Hiệp định tự do thương mại. Tuy vậy, hiện nay tình trạng chưa đăng ký hợp đồng các nhân còn phổ biến. Thời gian qua, mỗi năm có hàng vạn người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài (Ma Cao, Cộng hòa Síp, Ăng-gô-la, Trung quốc, Thái Lan, Lào, Căm-pu-chia, Liên bang Nga…), nhưng không đăng ký hợp đồng với Sở LĐTB&XH địa phương và cũng không báo cáo cơ quan đại diện ngoại giao khi sang làm việc tại nước sở tại. Dẫn đến tình trạng chính quyền địa phương, cơ quan quản lý nhà nước không thể kiểm soát và quản lý được người lao động ra nước ngoài làm việc theo hình thức này, không chủ động bảo hộ được quyền lợi của người lao động trong thời gian làm việc ở nước ngoài
Khi NLĐ đi là, việc ở nước ngoài được hưởng các quyền lợi như: Được cung cấp các thông tin về chính sách, pháp luật của Việt Nam và chính sách, pháp luật có liên quan, phong tục, tập quán của nước tiếp nhận lao động; Được cung cấp thông tin về điều kiện tuyển dụng, quyền và nghĩa vụ của các bên khi đi làm việc ở nước ngoài; Được đào tạo, giáo dục định hướng trước khi đi làm việc ở nước ngoài; Chủ động học nghề, học ngoại ngữ, tìm hiểu các quy định của pháp luật có liên quan và tham gia khóa bồi bưỡng kiến thức cần thiết trước khi đi làm việc ở nước ngoài; Ký kết và thực hiện đúng hợp đồng; Được bảo đảm các quyền lợi trong hợp đồng đã ký theo quy định của pháp luật Việt Nam và pháp luật nước sở tại; Được hưởng tiền lương, tiền công, thu nhập khác, chế độ khám bệnh, chữa bệnh, bảo hiểm xã hội và các quyền lợi khác quy định trong các hợp đồng và điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế;…Ngoài ra, Luật NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài năm 2020 còn quy định nghĩa vụ của NLĐ đi làm việc ở nước ngoài như giữ gìn và phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, tôn trọng phong tục, tập quán của nước tiếp nhận lao động, phát huy tình thần đoàn kết; Tuân thủ pháp luật Việt Nam, pháp luật nước tiếp nhận lao động; Đóng góp và hưởng các quyền lợi từ Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước theo quy định của pháp luật; Bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng đã ký;…Trong thời gian qua, theo Cục Quản lý lao động ngoài nước, tình trạng NLĐ Việt Nam cư trú bất hợp pháp (hết thời hạn lao động nhưng tiếp tục ở lại) tương đối phổ biến. Điều này khiến Bộ LĐ-TB-XH tiếp tục tạm dừng Chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài (EPS)[18].Việc tạm dừng tuyển lao động áp dụng với các quận, huyện có số lượng lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc từ 70 người trở lên và tỷ lệ lao động hết hạn hợp đồng không về nước đúng thời hạn từ 27% trở lên. Bên cạnh đó, vẫn còn trường hợp NLĐ có tiền án, tiền sự cố tình làm giả hồ sơ để đi làm việc ở nước ngoài. Những đối tượng này thường trở thành những người cầm đầu trong hầu hết các vụ kích động đình công đòi yêu sách bất hợp lý đối với chủ sử dụng lao động hoặc các vụ xung đột trong nội bộ lao động Việt Nam ở nước ngoài (lao động vệ sỹ đi làm việc tại UAE, lao động nữ đi làm việc tại Jordan…)[19].
- Một số kiến nghị nhằm hoàn thiện pháp luật về hình thức người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng
Quá trình toàn cầu hóa đã và đang tạo ra dòng dịch chuyển lao động giữa các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Theo báo cáo của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH), bình quân mỗi năm (trước năm ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch COVID-19) Việt Nam có khoảng 110 000 người ra nước ngoài làm việc, chiếm từ 7% đến 10% tổng số việc làm giải quyết hàng năm[20]. Tính đến hết tháng 03/2022, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là 142.779 người, tập trung vào các thị trường như Nhật Bản (67.295 người), (Đài Loan (Trung Quốc) với 58.598 người), Hàn Quốc (9.968 người)…[21]. Hoạt động đưa NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài thể hiện tính quy luật của phân công lao động và hợp tác lao động quốc tế. Dưới tác động của khoa học kỹ thuật tiến bộ, lực lượng sản xuất phát triển và ngày càng đạt tới trình độ cao vượt ra ngoài phạm vi của mỗi quốc gia; do đó, để đạt được hiệu quả cao cần phải mở rộng quan hệ phân công và hợp tác lao động quốc tế giữa các nước trên thế giới. Việc đưa NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài chính là cầu nối để mở rộng quan hệ hợp tác trên nhiều lĩnh vực giữa các nước. Ngay từ năm 1992, Việt Nam đã ký Thỏa thuận và Biên bản ghi nhớ về hợp tác lao động với 22 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó tập trung vào khu vực Đông Bắc Á, Đông Nam Á, Trung Đông và Bắc Phi. Các thoả thuận tiêu biểu như Chương trình EPS đưa NLĐ sang Hàn Quốc làm việc (mới được ký lại vào ngày 17/5/2016), Chương trình đưa ứng viên Điều dưỡng, Hộ lý đi làm việc tại Nhật Bản theo Hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam – Nhật Bản (EPA), Chương trình đưa ứng viên điều dưỡng Việt Nam sang học tập và làm việc tại CHLB Đức, Chương trình đưa lao động đi làm giúp việc gia đình tại Ả-rập Xê-út…[22] Di cư quốc tế vì việc làm là kết quả tất yếu và là một yêu cầu của quá trình toàn cầu hóa về kinh tế. Nó mang lại nhiều lợi ích cho nền kinh tế thế giới nói chung, nền kinh tế của nhiều quốc gia nói riêng. Tuy nhiên, nó cũng tiềm ẩn những khó khăn, thách thức mà các Chính phủ và NLĐ di trú khắp nơi phải đối mặt như tình trạng NLĐ bị phân biệt đối xử, bị bóc lột và thậm chí bị xâm phạm các quyền và lợi ích cơ bản cả ở nước gửi và nước nhận lao động[23].
Hiện luật NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài năm 2020 mới có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2022, thời gian còn quá ít để có thể đánh giá, nhận xét cũng như chưa có nhiều kiểm nghiệm, thông tin thực tế để đánh giá hết những hạn chế, bất cập của các quy định của luật này nên các kiến nghị, giải pháp nhằm hoàn thiện pháp luật về NLĐVN. Trong bối cảnh này, việc hoàn thiện pháp luật về NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài cần tập trung vào một số giải pháp sau:
Thứ nhất, cân nhắc nghiên cứu, phê chuẩn Công ước quốc tế về bảo vệ quyền của tất cả NLĐ di cư và thành viên gia đình họ (International Convention on the Protection of the Rights of All Migrant Workers and Members of Their Families – ICMW)
Ở góc độ quốc tế, ICMW là văn kiện quốc tế điều chỉnh toàn diện quyền của NLĐ di cư và các thành viên gia đình của họ, đặc biệt là quyền của NLĐ di cư không hợp pháp. Vì vậy, Việt Nam cần xem xét khả năng tham gia các điều ước này để có thêm cơ sở pháp lý bảo vệ lao động di cư từ Việt Nam ra nước ngoài cũng như từ nước ngoài vào Việt Nam. Mặt khác, Việt Nam cũng phải tính đến khả năng bảo lưu một số điều khoản nếu gia nhập ICMW, bởi vì Công ước này cũng chỉ xác định “trách nhiệm một chiều” đối với các quốc gia tiếp nhận lao động di cư mà hầu như bỏ qua trách nhiệm của các “quốc gia xuất xứ” lao động di cư. Ngoài ra, việc mở rộng nghĩa vụ bảo vệ với cả người thân của lao động di cư khi có mặt trên lãnh thổ nước tiếp nhận lao động cũng là một thách thức đối với Việt Nam khi xem xét gia nhập Công ước này. . Với xu hướng hợp tác quốc tế ngày càng sâu rộng và đa lĩnh vực đã hướng đến trách nhiệm hành động của các chính phủ liên quan đến lao động di cư, nhất là các quốc gia nhập cư lao động (với sự hỗ trợ của các tổ chức sử dụng lao động) về chính sách di cư và giám sát các điều kiện làm việc đối với lao động di cư. Các bên liên quan đều quy định nghiêm túc đối với các doanh nghiệp trong khối tư nhân tham gia vào quá trình tuyển dụng lao động nhập cư thông qua những yêu cầu nghiêm ngặt về giấy phép; đảm bảo điều kiện làm việc tốt nhất và chỉ thu phí của NSDLĐ – chứ không thu phí đối với lao động nhập cư.
Thứ hai, bổ sung điều kiện đối với người lãnh đạo, điều hành doanh nghiệp đưa lao động Việt Nam đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài
Cần bổ sung quy định về trình độ chuyên môn, ngoại ngữ đối với người lãnh đạo điều hành hoạt động dịch vụ đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài, những loại bằng cấp, giấy tờ để khẳng định người lãnh đạo điều hành đủ điều kiện theo quy định. Người lãnh đạo điều hành hoạt động này phải là người đại diện theo pháp luật. Ngoài quy định về bộ máy, chi nhánh của doanh nghiệp hoạt động dịch vụ, Luật cũng cần xem xét bổ sung quy định cho phép doanh nghiệp được kết nối với các tổ chức, cá nhân ở các địa phương để tuyên truyền, tư vấn chuẩn bị nguồn lao động cung cấp cho doanh nghiệp. Các tổ chức, cá nhân này phải đăng ký hoạt động với cơ quan lao động địa phương và chịu sự quản lý, kiểm soát của cơ quan này. Có thể quy định mỗi doanh nghiệp chỉ được phép hợp tác với một số lượng nhất định các tổ chức, cá nhân tại mỗi địa phương để đảm bảo doanh nghiệp có mạng lưới cung cấp lao động phù hợp. Đồng thời Luật cũng cần quy định về điều kiện và tiêu chuẩn của cá nhân, tổ chức tham gia hoạt động nhằm quản lý hoạt động trên địa bàn được chặt chẽ hơn, NLĐ thuận lợi hơn trong việc tìm hiểu và đăng ký tuyển chọn đi làm việc ở nước ngoài. Luật cần bổ sung các quy định và chế tài nghiêm khắc để xử lý các hành vi vi phạm quy định về tài chính của doanh nghiệp, kể cả hành vi không hoàn trả kịp thời và đầy đủ cho ngân hàng khoản tiền NLĐ đã vay và chuyển vào tài khoản của doanh nghiệp nhưng sau đó NLĐ không xuất cảnh.
Thứ ba, tiếp tục rà soát các văn bản có liên quan đến vấn đề trao đổi lao động và quy định về giao thương trong điều kiện hội nhập quốc tế, kiến tạo trao đổi thông tin và đối thoại ba bên liên chính phủ ở cấp khu vực, quốc tế và nhiều bên nhằm tạo điều kiện cho công dân của hai quốc gia được hưởng các quyền và lợi ích hợp pháp theo pháp luật quốc tế và pháp luật hiện hành của mỗi quốc gia. Tính nhất quán của chính sách, pháp luật đề cập đến nhu cầu đảm bảo rằng tất cả các khía cạnh của việc xây dựng và thực hiện chính sách và pháp luật sẽ hỗ trợ và không làm suy yếu lẫn nhau để đạt được mục tiêu cao hơn – bảo vệ quyền của lao động di cư. Cụ thể, Việt Nam cần sớm ban hành quy định chi tiết về các quyền cụ thể của NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, bao gồm quyền về việc làm, trả lương, nghỉ phép, nhận trợ cấp thất nghiệp….Khi xây dựng các quy định này, nhà hoạch định chính sách, pháp luật và các tổ chức bảo vệ quyền của NLĐ cần tính đến các tiêu chuẩn quốc tế về lao động di cư được ghi nhận trong các điều ước quốc tế của Liên hợp quốc, ILO và các hiệp định thương mại quốc tế có điều khoản về bảo vệ quyền của NLĐ. Hiện nay, Việt Nam đã ký kết và triển khai nhiều hiệp định, thoả thuận hợp tác về lao động như Chương trình lao động kết hợp kỳ nghỉ tại Australia, Hiệp định hợp tác lao động Việt – Lào, Thoả thuận phái cử và tiếp nhận lao động sang làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình EPS…[24]. Ngoài ra,Việt Nam cũng cần xây dựng mối liên hệ chặt chẽ hơn giữa khung pháp lý về lao động và tội phạm để ngăn chặn các hành vi vi phạm lao động phát triển thành lao động cưỡng bức và buôn bán người. Pháp luật cần quy định những chế tài nghiêm khắc, cụ thể đối với các doanh nghiệp, chủ cơ sở lao động có hành vi vi phạm pháp luật lao động xâm hại tới quyền và lợi ích hợp pháp của NLĐ làm việc ở nước ngoài không hợp pháp.
Thứ tư, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực khi làm việc ở nước ngoài
Theo khuyến nghị của ILO, việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là một nhân tố quan trọng hàng đầu trong việc đảm bảo di cư lao động an toàn và hiệu quả. Lao động được đào tạo tốt, ở mọi cấp độ đều ít bị tổn thương hơn. Việc nâng cao chất lượng đào tạo để đáp ứng yêu cầu của thị trường mục tiêu khiến cho việc đạt được mức thu nhập mong muốn trở nên dễ dàng hơn. Theo đó, khái niệm việc làm bền vững hoàn toàn có thể được hiện thực hóa đối với lao động di cư[25]. Do đó, để nâng cao chất lượng nguồn lao động Việt Nam, cần tăng cường công tác tuyển chọn, tạo nguồn. Cần tuân thủ các tiêu chuẩn trong tuyển chọn, phát triển mô hình phối hợp chặt chẽ giữa doanh nghiệp dịch vụ và chính quyền địa phương để tuyển chọn được những lao động có nhận thức tốt và thực sự có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài. Việt Nam không còn lợi thế nhân công giá rẻ. Đối với lao động Việt Nam, đi làm việc ở nước ngoài khi không có trình độ tay nghề cũng đồng nghĩa với điều kiện làm việc không đảm bảo và tiền lương thấp. Hầu hết lao động đi làm việc ở nước ngoài là lao động phổ thông, trình độ ngoại ngữ thấp nên gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống và công việc; sức khỏe, tầm vóc, độ dẻo dai trong công việc còn hạn chế so với lao động nhiều nước và thiếu hiểu biết về văn hóa, phong tục, tập quán của nước sở tại. Các ứng viên Việt Nam có điểm trung bình IELTS là 5,78 điểm, thuộc nhóm trung bình thấp, đứng sau Malaysia (6,64 điểm); Philippines (6,53 điểm) và xấp xỉ Indonesia (5,79 điểm)[26]. Đê thực hiện nâng cao chất lượng nguồ nhân lực cho NLĐ Việt Nam đi làm việc tại nước ngoài cần tăng cường gắn kết giáo dục nghề nghiệp với việc đưa NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, tạo sự liên kết chặt chẽ giữa các doanh nghiệp dịch vụ đưa lao động đi làm việc nước ngoài với các trường, cơ sở giáo dục nghề nghiệp để có nguồn lao động đáp ứng được yêu cầu, điều kiện của các đối tác nước ngoài.
KẾT LUẬN:
Hội nhập quốc tế là một quá trình tất yếu, có lịch sử phát triển lâu dài và có nguồn gốc, bản chất xã hội của lao động và sự phát triển văn minh của quan hệ giữa con người với con người. Đây chính là động lực chủ yếu thúc đẩy quá trình hội nhập quốc tế. Đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài là hoạt động kinh tế đối ngoại quan trọng đối với mỗi quốc gia, nhất là ở các nước đang phát triển. Lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài góp phần đáng kể phát triển kinh tế xã hội, cải thiện rõ rệt về phúc lợi xã hội và bình đẳng giới hộ gia đình, trẻ em trong các hộ gia đình này có cơ hội học tập nhiều hơn, tiếp cận với các dịch vụ xã hội tốt hơn. Về cơ bản, các hình thức đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng có sự kế thừa tử pháp luật thời kỳ trước và đã bổ sung các hình thức để phù hợp hơn với quá trình thay đổi, chuyển dịch lao động giữa các quốc gia. Thông qua các hình thức đưa NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, Nhà nước có cơ sở để hoạch định chính sách lao động, tăng cường hợp tác và nâng cao tình hữu nghị giữa Việt Nam và các quốc gia, góp phần ổn định và phát triển kinh tế xã hội.
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Nguyễn Văn Sinh (2020), Bình luận một số điểm mới về những quy định chung trong Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc tại nước ngoài theo hợp đồng năm 2020, Tạp chí Nghề Luật, số 3/2021
- Bành Quốc Tuấn (2021), Công ước quốc tế về bảo vệ các quyền của người lao động di trú và thành viên trong gia đình của họ và sự cần thiết gia nhập của Việt Nam, Tạp chí Khoa học, Trường Đại học Ngoại ngữ – Tin học thành phố Hồ Chí Minh, số 6/2021
- Phương Anh (2021), Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng năm 2020: Những điểm mới và các lưu ý trong quá trình triển khai thực hiện, Tạp chí Kinh tế Dự báo, số 8.
- Trường Đại học Luật Hà Nội (2020), Giáo trình Luật lao động (tập II), Nxb.Công an nhân dân.
- Tống Văn Băng (2020), Vấn đề lao động việt nam làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hiệp định hợp tác lao động giữa Việt Nam và các nước – Lý luận và thực tiễn, Luận án tiến sĩ luật học, Trường Đại học Luật Hà Nội.
- Đỗ Thị Quỳnh Trang (2017), Pháp luật về quyền của người lao động việt nam làm việc bất hợp pháp tại nước ngoài, Tạp chí Pháp luật và thực tiễn, số 3/2017
- Nguyễn Thị Thanh Huyền (2022), Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng – Thực trạng và giải pháp, Tạp chí Công thương, số 3/2022.
- Phương Anh (2021), Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng năm 2020: Những điểm mới và các lưu ý trong quá trình triển khai thực hiện, Tạp chí Kinh tế Dự báo, số 8/202
- Đại học Quốc gia Hà Nội (2011), Lao động di trú trong pháp luật quốc tế và Việt Nam, Nxb lao động xã hội.
- Bộ Lao động Thương binh và xã hội (2020), Báo cáo tổng két thi hành Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
- Phan Anh Thắng, Đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài: Những dấu ấn và vấn đề đặt ra trong tình hình mới.
https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/van_hoa_xa_hoi/-/2018/827319/dua-nguoi-lao-dong-viet-nam-di-lam-viec-o-nuoc-ngoai–nhung-dau-an-va-van-de-dat-ra-trong-tinh-hinh-moi.aspx#, truy cập ngày 23 /03/2023
- Nguyễn Kim Anh, Vai trò của chính sách xuất khẩu lao động trong việc thu hút kiều hối chuyển về Việt Nam
https://www.sbv.gov.vn/webcenter/portal/vi/menu/rm/apph/tcnh/tcnh_chitiet?leftWidth=20%25&showFooter=false&showHeader=false&dDocName=SBV311581&rightWidth=0%25¢erWidth=80%25&_afrLoop=19436551083306023#%40%3F_afrLoop%3D19436551083306023%26centerWidth%3D80%2525%26dDocName%3DSBV311581%26leftWidth%3D20%2525%26rightWidth%3D0%2525%26showFooter%3Dfalse%26showHeader%3Dfalse%26_adf.ctrl-state%3Dr29r4ioag_9 truy cập ngày 24/03/023
- T.Lan, Bảo đảm quyền của người lao động đi làm việc ở nước ngoài, https://dangcongsan.vn/xa-hoi/bao-dam-quyen-cua-nguoi-lao-dong-di-lam-viec-o-nuoc-ngoai-602003.html, truy cập ngày 30/03/2023
- Văn Toán, Phát huy hiệu quả lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài https://nhandan.vn/phat-huy-hieu-qua-lao-dong-viet-nam-di-lam-viec-o-nuoc-ngoai-post710696.html, truy cập ngày 27/03/2023
- An Nhi, 4 thách thức lớn trong hoạt động đưa lao động sang nước ngoài làm việc theo hợp đồng https://kinhtevadubao.vn/4-thach-thuc-lon-trong-hoat-dong-dua-lao-dong-sang-nuoc-ngoai-lam-viec-theo-hop-dong-24547.html, truy cập ngày 26/03/2023
[1] Phan Anh Thắng, Đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài: Những dấu ấn và vấn đề đặt ra trong tình hình mới. Nguồn truy cập:
https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/van_hoa_xa_hoi/-/2018/827319/dua-nguoi-lao-dong-viet-nam-di-lam-viec-o-nuoc-ngoai–nhung-dau-an-va-van-de-dat-ra-trong-tinh-hinh-moi.aspx#, truy cập ngày 23 /03/2023
[2] Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình Luật lao động (tập II), Nxb.Công an nhân dân, 2020, tr.130
[3] Thuật ngữ này chính thức được ghi nhận lần đầu tại Nghị định số 370-HĐBT ngày 09/11/1991 của Hội đồng Bộ trưởng ban hành quy chế về đưa NLĐ Việt Nam đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài và được thừa nhận trong nhiều văn bản như Chỉ thị số 16-CT/TW ngày 08/05/2012 của Ban bí thư “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đưa NLĐ và chuyên gia Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài”, Chỉ thị số 20-CT/TW ngày 22/12/2022 của Ban Bí thư “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đưa người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài trong tình hình mới”, Bộ luật lao động, Luật NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài và các văn bản hướng dẫn thi hành.
[4] Bành Quốc Tuấn (2021), Công ước quốc tế về bảo vệ các quyền của người lao động di trú và thành viên trong gia đình của họ và sự cần thiết gia nhập của Việt Nam, Tạp chí Khoa học, Trường Đại học Ngoại ngữ – Tin học thành phố Hồ Chí Minh, số 6/2021
[5] Phương Anh (2021), Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng năm 2020: Những điểm mới và các lưu ý trong quá trình triển khai thực hiện , Tạp chí Kinh tế Dự báo, số 8.
[6] Hợp đồng lao động ký giữa đơn vị sự nghiệp và NLĐ được ký theo mẫu tại phụ lục 03 ban hành kèm theo Thông tư 21/2021/TT-BLĐTBXH có hiệu lực từ ngày 01/02/2022 quy định chi tiết một số điều của Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng
[7]. Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Báo cáo Tổng kết thi hành luật NLĐVN đi làm việc có thời hạn theo hợp đồng, ngày 01/4/2020, tr. 22.
[8] Phạm Văn Sinh (2023), Luận án tiến sĩ luật học “Pháp luật về người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài”, Trường Đại học Luật Hà Nội, trang 114.
[9] Điều 4 Thông tư số 21/2021/TT-BLĐTBXH và các phụ lục kèm Thông tư 21/2021/TT-BLĐTBXH : Phụ lục II (Nhật Bản), Phụ lục III (Đài Loan – Trung Quốc), Phụ lục IV (Hàn Quốc), Phụ lục V ( Tây Á, Trung Á và Châu Phi); Phụ lục VI (Châu Âu và Châu Đại Dương), Phụ lục VII (Châu Mỹ), Phụ lục VIII (Trung Quốc, Ma Cao (Trung Quốc) và Đông Nam Á), Phụ lục IX (ngành, nghề, công việc trên biển quốc tế)
[10] Điều 10 Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng năm 2020;
[11] Điều 24, Điều 29 Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng năm 2020.
[12] Điều 4, 5,6 Nghị định 112/2021/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng
[13] Điều 9 Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng năm 2020
[14] T.Lan, Bảo đảm quyền của người lao động đi làm việc ở nước ngoài, https://dangcongsan.vn/xa-hoi/bao-dam-quyen-cua-nguoi-lao-dong-di-lam-viec-o-nuoc-ngoai-602003.html, truy cập ngày 30/03/2023
[15] Điều 39 Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng năm 2020
[16] Điểm g khoản 2 Điều 6 Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài năm 2020
[17] Điều 6 Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng năm 2020
[18] Những địa phương nào tiếp tục bị dừng tuyển lao động sang Hàn Quốc, https://thanhnien.vn/nhung-dia-phuong-nao-tiep-tuc-bi-dung-tuyen-lao-dong-sang-han-quoc-185230309155533829.htm, truy cập ngày 25/03/2023
[19] Tống Văn Băng (2020), Vấn đề lao động việt nam làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hiệp định hợp tác lao động giữa Việt Nam và các nước – Lý luận và thực tiễn, Luận án tiến sĩ luật học, Trường Đại học Luật Hà Nội.
[20] Tổ chức lao động quốc tế, Khoảng trống về số liệu trong thống kê lao động di cư quốc tế ở Việt Nam
https://www.gso.gov.vn/wp-content/uploads/2023/01/Data-gaps-report-vie-14h-30.12-web.pdf, truy cập ngày 23/03/2023
[21] Ngân Anh, Lao động đi làm việc ở nước ngoài phát triển mạnh cả về chất và lượng
https://nhandan.vn/lao-dong-di-lam-viec-o-nuoc-ngoai-phat-trien-manh-ca-ve-chat-va-luong-post737910.html, truy cập ngày 24/03/2023
[22] Nguyễn Kim Anh, Vai trò của chính sách xuất khẩu lao động trong việc thu hút kiều hối chuyển về Việt Nam
[23] Đại học Quốc gia Hà Nội (2011), Lao động di trú trong pháp luật quốc tế và Việt Nam, Nxb lao động xã hội
[24] Đỗ Thị Quỳnh Trang (2017), Pháp luật về quyền của người lao động việt nam làm việc bất hợp pháp tại nước ngoài, Tạp chí Pháp luật và thực tiễn, số 3/2017.
[25]An Nhi, 4 thách thức lớn trong hoạt động đưa lao động sang nước ngoài làm việc theo hợp đồng https://kinhtevadubao.vn/4-thach-thuc-lon-trong-hoat-dong-dua-lao-dong-sang-nuoc-ngoai-lam-viec-theo-hop-dong-24547.html, truy cập ngày 26/03/2023.
[26] Văn Toán, Phát huy hiệu quả lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài
https://nhandan.vn/phat-huy-hieu-qua-lao-dong-viet-nam-di-lam-viec-o-nuoc-ngoai-post710696.html, truy cập ngày 27/03/2023