Khảo sát về khái niệm an ninh việc làm trên thế giới và Việt Nam
![](https://luatlaodong.com.vn/wp-content/uploads/2021/08/anh-21-an-ninh-viec-lam.jpg)
Tóm tắt:
An ninh việc làm (employment security) là một khái niệm mới xuất hiện trong các cuộc tranh luận liên quan đến chính sách cũng như các hội thảo học thuật. Thuật ngữ “an ninh việc làm” vẫn đang được hiểu theo nhiều hướng khác nhau và hiện chưa có một cách định nghĩa chính thức về nó. Bài viết cung cấp một số quan điểm khác nhau về an ninh việc làm để đánh giá, bình luận và đưa ra một số khuyến nghị.
Từ khoá: an ninh việc làm; an ninh linh hoạt việc làm; người lao động
Employment security is a new concept that appears in policy debates as well as academic seminars. The term “employment security” is still being understood in many different ways and there is currently no official definition of it. The article provides a number of different views on employment security to assess, comment and make some recommendations.
Key words: employment security; Flexicurity; employee.
1.Khảo sát về khái niệm an ninh việc làm
An ninh việc làm đóng một vai trò trong các cuộc thảo luận chính sách ở cấp độ quốc gia và quốc tế. Ở cấp độ Liên minh Châu Âu (EU), “an ninh việc làm” là một thành tố chủ chốt của khái niệm “An ninh linh hoạt” (Wilthagen, 1998, Wilthagen & Tros, 2004). An ninh linh hoạt việc làm được xác định là yếu tố cốt lõi của chiến lược việc làm của Liên minh châu Âu (EU) kể từ những năm 1990[1]. Tuy nhiên, mô hình này được bắt đầu từ năm 1899 khi Đan Mạch giới thiệu mô hình “Thỏa hiệp tháng chín” – Septforliget, được ký kết giữa Tổ chức Lao động Đan Mạch (Dansk Arbejdsgiverforening – DA) và Liên đoàn Công đoàn Đan Mạch (Landsordanisationen i Danmark – LO). Đây là thỏa thuận cơ bản đầu tiên điều chỉnh quan hệ công nghiệp Đan Mạch với mục tiêu là giảm thất nghiệp. Thoả thuận này kết hợp các chính sách thị trường lao động tích cực để thúc đẩy tính linh hoạt với điều khoản phúc lợi hào phóng nhưng thuế cao hơn.
An ninh linh hoạt có thể được định nghĩa như một chính sách chiến lược tích hợp, không chỉ nhằm mục đích phát triển và đem lại an ninh việc làm mà còn như một vấn đề thời sự, bao gồm cả mức độ của an ninh việc làm. Một đinh nghĩa được đưa ra sau này bởi Wilthagen en Tros (2004): “… chất lượng việc làm, thu nhập và an ninh tổng hợp là sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho thị trường lao động nghề nghiệp và những lao động với khả năng tương đối yếu cũng như cho phép họ tham gia vào thị trường lao động chất lượng cao, ổn định và hòa nhập với xã hội, đồng thời mang lại một mức độ linh hoạt về số lượng (cả bên trong và bên ngoài), chức năng và tiền lương mà cho phép thị trường lao động (và các công ty tư nhân) điều chỉnh kịp thời với các điều kiện thay đổi để duy trì và nâng cao tính cạnh tranh và năng suất”
An ninh linh hoạt là sự kết hợp của an ninh và linh hoạt, đặc biệt trong bảo đảm việc làm và thu nhập. An ninh việc làm là hình thức bảo đảm phù hợp nhất trong thị trường lao động biến đổi linh hoạt và vì vậy nó thường được đề cập đến như là một lựa chọn thay thế cho khái niệm an ninh công việc.
An ninh việc làm thường được hiểu là một khái niệm tương đồng với an ninh công việc (job security), nhưng hai khái niệm này không hoàn toàn giống nhau. Các quốc gia như Đức và Pháp cũng có quan niệm khác nhau về vấn đề này thông qua cách dịch 2 thuật ngữ. An ninh việc làm được dịch theo tiếng Đức là “Beschäftigungss Richheit” hay tiếng Pháp là “sécurité dans l’emploi”. Khái niệm an ninh công việc được dịch theo tiếng Đức là “Arbeitsplatzs Richheit”; “sécurité de l’emploi” cho an ninh công việc. An ninh công việc là cách định nghĩa hẹp nhất: nó chỉ là bảo đảm (về mặt thu nhập) khi một quan hệ lao động đã tồn tại và người lao động với tư cách là người làm thuê (1 công việc). An ninh công việc là việc đảm bảo rằng người lao động duy trì được đảm bảo công việc đã giao kết sẽ được thực hiện và đảm bảo bởi người sử dụng lao động. An ninh việc làm muốn hướng tới cơ hội người lao động có thể thực hiện một công việc khác nếu họ mất có nguy cơ mất việc làm. Tuy nhiên, an ninh công việc nhấn mạnh tính liên tục của việc làm hiện tại, trong khi an ninh việc làm đề cập đến tính liên tục của nghề nghiệp.
Trong một báo cáo tới chính phủ, Hội đồng Khoa học Hà Lan cho các chính sách của Chính phủ (WRR, 2007) đã xem xét mối tương quan của hai khái niệm an ninh việc làm và bảo đảm công việc, qua đó đưa ra định nghĩa về an ninh việc làm như sau:
“An ninh việc làm có nghĩa là người lao động – bằng kinh nghiệm làm việc của mình – có được sự tự tin, độc lập để tiếp tục công việc mình đang thực hiện hoặc thực hiện công việc khác cho người sử dụng lao động hiện tại hoặc có một công việc mới với một người sử dụng lao động khác, vào bất cứ thời điểm nào người lao động cần hoặc mong muốn. Bên cạnh đó, an ninh việc làm cũng có nghĩa là đảm bảo những người đang nằm ngoài lực lượng lao động (tạm thời) sẽ có thể tự tin quay trở lại thị trường lao động”.
Nhà xã hội học người Đức Ulrich Beck (1986) tiếp cận “an ninh việc làm” là một trong những giải pháp nhằm đối phó với “rủi ro xã hội” (Risk society). Đây là hệ thống các rủi ro có nguy cơ gây ra sự bất ổn bởi công nghệ, kỹ thuật và các nguy cơ tự nhiên khác xuất phát từ chính con người. Trong thị trường lao động, rủi ro xã hội liên quan đến các hiện tượng như: sự linh hoạt hóa, thuê nhân công, toàn cầu hóa, các yếu tố thúc đẩy sự tăng trưởng của nền kinh tế nhưng cũng làm giảm mức độ an ninh việc làm. Cách tiếp cận của Beck rất năng động, lấy các nguy cơ làm trung tâm. An ninh việc làm là một trong những vấn đề cần được quan tâm để đối phó với những rủi ro của xã hội hiện đại.
Gunther Schmid (Schmid, 1998, Schmid & Gazier, 2002) đã tạo ra thuật ngữ “dịch chuyển thị trường lao động” (Transitional labour markets) và đề cập về nó như một chính sách hấp dẫn và hiệu quả trong tương lai, bằng việc chỉ ra rằng các chính sách về thị trường lao động cần phải hướng tới mục tiêu thuận lợi hóa cho việc dịch chuyển giữa các lĩnh vực khác nhau của hoạt động sản xuất xã hội, như: việc làm – giáo dục, giáo dục – việc làm, chăm sóc – việc làm, việc làm – chăm sóc. Đây cũng là một cách tiếp cận năng động về chính sách kinh tế xã hội, với thông điệp chính là “sự dịch chuyển mang lại lợi ích” chứ không chỉ là “việc làm mang lại lợi ích”.
Từ viễn cảnh dịch chuyển thị trường lao động, động lực tăng trưởng của thị trường lao động vượt ra ngoài phạm vi dịch chuyển từ công việc này sang công việc khác, từ việc làm này sang việc làm khác một mặt là bước tiến tới việc làm đầy đủ. Mặt khác, đây là sự cân bằng cho các nhu cầu dành cho những vấn đề quan trọng khác trong cuộc sống của người lao động. Trên thực tế, người lao động tự nguyện hay không tự nguyên thay đổi công việc không hoàn toàn xấu hay tốt. Shmid tập trung chủ yếu và sự dịch chuyển giữa việc làm và giáo dục và ngược lại. An ninh việc làm trong cách tiếp cận này là “an ninh kết hợp”, khả năng liên kết với các chính sách chăm sóc, giáo dục và việc làm vào cuộc sống hay thậm chí trong cùng một một thời điểm. Mô hình an ninh này đòi hỏi tính linh hoạt nhưng không phải là tính linh hoạt trong hợp đồng mà còn hơn thế để giải quyết các vấn đề như: Quản lý nhân sự linh hoạt, việc làm bán thời gian, tính khả thi của các chính sách chăm sóc việc làm, người lao động không làm việc trong thời gian học nghề và các chế độ hưu trí (một phần hoặc toàn bộ).
An ninh việc làm cũng được tiếp cận dưới góc độ của việc làm bền vững (decent work). Đây là khái niệm hầu như chỉ được thực hiện bởi ILO, đặc biệt bởi tác giả Guy Standing. Định hướng của nó về quyền và lợi ích của người lao động là nhằm vào việc cân bằng các phương pháp tiếp cận về kinh tế đối với vấn đề lao động một cách rộng mở hơn từ các tổ chức như OCED (Tổ chức hợp tác và phát triển của Liên minh Châu Âu), IMF (Quỹ tiền tệ quốc tế) và Ngân hàng Thế giới (World Bank). Trong tài liệu nghiên cứu về việc làm bền vững, tồn tại một xu hướng phản đối về việc tăng tính linh hoạt (trong hợp đồng) và giảm sự bảo đảm trong công việc. An ninh việc làm thường được hiểu như bảo đảm công việc. An ninh việc làm theo cách hiểu trong tài liệu này có nghĩa là “Bảo đảm khả năng có việc làm” (Auer, 2007).
Ở Việt Nam hiện nay chưa tồn tại các công trình nghiên cứu độc lập về an ninh việc làm. Tuy nhiên, khái niệm an ninh việc làm được đề cập trong tác phẩm “Thuật ngữ an sinh xã hội Việt Nam” do Viện Khoa học lao động và xã hội thuộc Bộ Lao động Thương binh và Xã hội kết hợp với tổ chức GIZ của Cộng hòa Liên bang Đức (2011) biên soạn[2] ghi nhận “An ninh việc làm là sự đảm bảo cho người lao động có việc làm liên tục. Các điều khoản của hợp đồng lao động, thỏa ước tập thể hoặc các văn bản quy phạm pháp luật về lao động là các công cụ cơ bản để bảo đảm điều kiện làm việc và trả công lao động, ngăn chặn việc chấm dứt hợp đồng lao động hoặc cắt giảm nhân sự tùy tiện”. Định nghĩa chỉ ra được bản chất của an ninh việc làm là nhằm duy trì, đảm bảo việc làm cho NLĐ cũng như chỉ ra cơ sở, phương pháp hạn chế nguy cơ mất việc làm cho NLĐ thông qua các thiết chế pháp luật và sự thỏa thuận giữa các bên trong quan hệ lao động.
Luận án tiến sĩ của tác giả Chu Mạnh Hùng “Vấn đề an ninh con người trong pháp luật quốc tế hiện đại” (2013) ghi nhận an ninh việc làm là một bộ phận của an ninh con người.Trong luận án, tác giả không đưa ra định nghĩa cụ thể về an ninh việc làm, tuy nhiên, từ định nghĩa an ninh con người có thể thấy rằng an ninh việc làm được tiếp cận dưới góc độ quyền con người và góc độ an sinh xã hội. Đó là những đảm bảo của pháp luật quốc tế và pháp luật quốc gia để con người không bị đe dọa trước các mối nguy hiểm, tạo lập cuộc sống an toàn, phát triển. Như vậy, an ninh việc làm có hướng tới đối tượng là con người nói chung chứ không hẳn chỉ là người lao động. An ninh việc làm là một thành phần quan trọng của an ninh con người, chủ yếu thông qua việc cung cấp an ninh kinh tế và thu nhập[3]. Hơn nữa, việc làm thường gắn liền với sự tham gia và liên kết với các mạng lưới xã hội, từ đó có thể góp phần nâng cao mức độ an ninh con người (Leaning / Arie, 2000; Nussbaum, 2000)[4]. Khái niệm an ninh con người có liên quan chặt chẽ với chương trình nghị sự phát triển con người của LHQ, và khái niệm liên quan đến cách tiếp cận về năng lực (Sen, 1985, Nussbaum, 2000).
Từ việc nghiên cứu về khái niệm an ninh việc làm, chúng tôi đưa ra một số kết luận sau:
Thứ nhất, an ninh việc làm đươc tiếp cận dưới nhiều góc độ khác nhau, nhưng các nghiên cứu nhiều nhất về an ninh việc làm là các nghiên cứu về mô hình an ninh – linh hoạt việc làm. Trong đó, nhấn mạnh đến sự cân bằng, hài hoà giữa an ninh và linh hoạt việc làm.
Thứ hai, an ninh việc làm là khái niệm được tiếp cận theo nghĩa rộng, không chỉ bao gồm an ninh trong quan hệ lao động mà còn hướng tới an ninh thị trường lao động. Do vậy, an ninh việc làm không chỉ liên quan đến việc duy trì việc làm cho người lao động, khoản trợ cấp khi người lao động bị mất việc làm mà còn hướng tới các chính sách hỗ trợ giúp người lao động trở lại thị trường lao động như hỗ trợ, tìm kiếm việc làm, học nghề để chuyển đổi công việc.
Thứ ba, việc lựa chọn áp dụng an ninh việc làm còn phụ thuộc rất nhiều vào điều kiện kinh tế – xã hội của quốc gia. Đa số các nghiên cứu về an ninh việc làm đều đến từ các quốc gia châu Âu. Do vậy, việc áp dụng lựa chọn mô hình an ninh việc làm cần có những cân đối với điều kiện thực tế của quốc gia/
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
- UN, 1994, Hampson, 2002, Nef, 1999 Buttedahl, 1994
- Sách” Thuật ngữ an sinh xã hội” Viện Khoa học lao động và xã hội, Nxb Lao động xã hội, 2011.
- Ronald Dekker, “Employment security: a conceptual exploration”, ReflecT, Tilburg University, 2010.
- EU BRIEFING, Flexicurity: Does employment protection = employment security?, tháng 3, 2015
- Andranik tangian, flexicurity and political philosophy, new york, nova science publishers, 2011, 208 pp, isbn: 978-1-61122-816-8
- Arne l. kalleberg, Nonstandard employment relations: part-time, temporary and contract work, annu. rev. sociol. 2000. 26:341–65
- ruud muffels, ruud luijkx, labour market mobility and employment security of male employees in europe: trade-off or flexicurity?, work, employment and society, sage publications los angeles, London, New delhi and Singapore.
[1] EU BRIEFING, Flexicurity: Does employment protection = employment security?, tháng 3, 2015
[2] Sách” Thuật ngữ an sinh xã hội” Viện Khoa học lao động và xã hội, Nxb Lao động xã hội, 2011.
[3] UN, 1994, Hampson, 2002, Nef, 1999 Buttedahl, 1994
[4] Ronald Dekker, “Employment security: a conceptual exploration”, ReflecT, Tilburg University, 2010.