Pháp luật đào tạo nghề cho người lao động trước tác động của dịch bệnh covid 19 – Thực trạng và một số kiến nghị
![](https://luatlaodong.com.vn/wp-content/uploads/2024/02/anh-4.jpg)
Bài viết được thực hiện bởi TS Đoàn Xuân Trường trong khuôn khổ Hội thảo “Đánh giá tác động của đại dịch Covid 19 tới lao động, việc làm của Việt Nam- thực trạng và khuyến nghị chính sách” đươc tổ chức tại Trường Đại học Luật Hà Nội năm 2022
Tóm tắt:
Đào tạo, nâng cao kỹ năng và kiến thức của NLĐ để thực hiện một công việc là phương thức quan trọng nhằm nâng cao khả năng làm việc cho NLĐ. Thông qua hoạt động đào tạo, NLĐ sẽ có kỹ năng phản ứng với những thay đổi công nghệ, môi trường làm việc, tái cơ cấu tổ chức. Ngoài ra, quá trình này còn giúp đáp ứng nhu cầu phát triển liên tục của NLĐ, hướng tới thực hiện chiến lược học tập suốt đời. Bài viết phân tích các quy định của pháp luật về đào tạo nghề cho NLĐ trong bối cảnh dịch bệnh Covid 19 và đề xuất một số kiến nghị nhằm hoàn thiện pháp luật về đào tạo nghề cho NLĐ
Từ khoá: thị trường lao động, đại dịch covid 19, người lao động
- Thực trạng đào tạo nghề cho người lao động trước tác động của dịch bệnh Covid 19
Đào tạo nâng cao kỹ năng, trình độ cho NLĐ là một yếu tố quan trọng để tăng khả năng tiếp cận và chuyển đổi công việc của NLĐ. Quan điểm của ILO cũng cho rằng, phát triển kỹ năng và học tập suốt đời (Lifelong learning) là một trong những trụ cột chính để thúc đẩy cách tiếp cận giáo dục nghề nghiệp; tăng cường học tập tại nơi làm việc, trong đó có học nghề/tập nghề tại doanh nghiệp. Đây là quá trình tích lũy kinh nghiệm, kiến thức mới, học tập có mục đích góp phần nâng cao khả năng tiếp cận công việc. Điều này nhằm nâng cao khả năng của NLĐ để có việc làm và duy trì việc làm. Khả năng có việc làm là một khoản đầu tư liên tục, lâu dài và không dừng lại đến khi NLĐ không còn khả năng lao động. Các công cụ chính của ILO trong lĩnh vực đào tạo là Công ước số 142 (1975) và Khuyến nghị số 150 (1975) về phát triển nguồn nhân lực. Theo ILO, giáo dục và đào tạo giúp NLĐ tiếp cận với công việc tử tế, cải thiện thu nhập của NLĐ, đồng thời tăng cơ hội lựa chọn nghề nghiệp của NLĐ[1]. Quyền được đào tạo của NLĐ được ghi nhận trong Hiến pháp của nhiều quốc gia và được thừa nhận ở cấp độ quốc tế[2].
1.1. Trách nhiệm đào tạo nghề của NSDLĐ đối với NLĐ
Đào tạo NLĐ là một trong những chính sách nhân sự cần có trong trong nghiệp. Hoạt động này giúp NLĐ nhanh chóng tiếp thu văn hóa doanh nghiệp, nâng cao năng lực chuyên môn, tư duy và những kỹ năng ứng dụng. Quan điểm phát triển nghề nghiệp của Liên minh Châu Âu cho rằng: “Người lao động cần được đảm bảo an ninh việc làm chứ không phải là an ninh công việc vì ngày càng ít người thực hiện một công việc trong cả cuộc đời làm việc”[3]. Như vậy, NLĐ được cam kết duy trì trạng thái “làm việc” và sẵn sàng “thích nghi” với công việc. Điều này được thực hiện bởi các chính sách TTLĐ tích cực nhằm thúc đẩy và tạo điều kiện cho NLĐ nâng cao kỹ năng và trình độ của họ đối với “khả năng tuyển dụng” (employability)[4]. Trách nhiệm đào tạo của NSDLĐ được công nhận về mặt pháp lý thông qua các quy định về số giờ đào tạo tối thiểu; các trường hợp bắt buộc phải đào tạo để chuyển đổi công việc hoặc duy trì công việc cho NLĐ. Việc được đào tạo liên tục cũng giúp NLĐ duy trì khả năng làm việc của họ. Đây là một trong những yếu tố để thực hiện quyền làm việc. Quá trình đào tạo không chỉ áp dụng đối với người thất nghiệp để tăng cơ hội tìm kiếm việc làm mà còn áp dụng đối với người đang có việc làm.
Hoạt động đào tạo do doanh nghiệp thực hiện có thể được tiến hành thông qua các khoá đào tạo hoặc đào tạo thường xuyên. Theo đó, đào tạo thường xuyên là hình thức đào tạo không chính thức và thường diễn ra trong thời gian làm việc. Đào tạo thông qua các khoá học chính thức có thể diễn ra ngoài nơi làm việc hay trong giờ làm việc bình thường. Các phương pháp đào tạo có thể bao gồm: đào tạo nội bộ; đào tạo chính quy bên ngoài; hội thảo, tọa đàm; đào tạo trong công việc; luân chuyển công việc; tổ chức họp nhóm (trong đó các nhóm NLĐ gặp gỡ để giải quyết vấn đề liên quan đến công việc); và tự học[5].
Theo quy định tại điều 6 Luật Giáo dục nghề nghiệp năm 2014, Nhà nước khuyến khích NSDLĐ hỗ trợ và tổ chức đào tạo, đào tạo lại nâng cao kỹ nǎng cho NLĐ. Các biện pháp được thực hiện bao gồm: khuyến khích NSDLĐ thành lập các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và tổ chức các lớp đào tạo NLĐ; hoặc hợp tác với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tổ chức đào tạo các trình độ. Pháp luật nghiêm cấm sử dụng lao động chưa qua đào tạo hoặc chưa có chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia đối với nghề, công việc phải sử dụng lao động đã được đào tạo hoặc phải có chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia . NSDLĐ có trách nhiệm xây dựng kế hoạch hằng năm và dành kinh phí cho việc đào tạo và tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề cho NLĐ đang làm việc cho mình. Hiện nay, tổng số lực lượng lao động là 55,67 triệu người (năm 2019), tỉ lệ lao động qua đào tạo tăng 49% (năm 2014) lên 62% (năm 2019) . Trong giai đoạn 2011-2020, tỷ lệ doanh nghiệp tham gia đào tạo nghề cho NLĐ mới chỉ chiếm 36,29% . Pháp luật cũng khuyến khích NSLĐ lập kế hoạch, thực hiện các giải pháp để lao động nữ, lao động nam có việc làm thường xuyên, áp dụng chế độ làm việc theo thời gian biểu linh hoạt, làm việc không trọn thời gian, giao việc làm tại nhà, đào tạo nâng cao tay nghề; lao động nữ được đào tạo thêm nghề dự phòng phù hợp với đặc điểm cơ thể, sinh lý và chức năng làm mẹ của phụ nữ . Tại doanh nghiệp, trách nhiệm đào tạo nghề được thực hiện thông qua nhiều phương thức khác nhau như:
– Đào tạo mới cho NLĐ
Đây là việc tiến hành đào tạo cho những cá nhân chưa qua đào tạo với mục tiêu chính là giúp cho NLĐ có trình độ chuyên môn kỹ thuật nhất định đáp ứng được yêu cầu công việc của doanh nghiệp. Trong nhiều trường hợp, NSDLĐ buộc phải tiến hành đào tạo mới thông qua hoạt động học nghề, tập nghề. Tuy vậy, nhiều doanh nghiệp áp dụng thời gian đào tạo nghề, tập nghề rất dài nhằm trốn tránh nghĩa vụ giao kết HĐLĐ và nghĩa vụ tham gia các loại bảo hiểm bắt buộc. Đây là 1 trong những hình thức của việc làm bị trá hình, ảnh hưởng tới quyền lợi của NLĐ. Để khắc phục hạn chế này, BLLĐ năm 2019 đã phân biệt rõ thuật ngữ “học nghề” và “tập nghề”; giới hạn thời gian tối đa cũng như xác định độ tuổi tối thiểu tham gia “học nghề, tập nghề”. Để đảm bảo an ninh thu nhập cho NLĐ, BLLĐ năm 2019 quy định NSDLĐ phải trả lương nếu người học nghề, người tập nghề trực tiếp hoặc tham gia lao động làm ra sản phẩm hợp quy cách. Như vậy, NSDLĐ không thể trốn tránh trả lương cho NLĐ bằng cách đưa ra nhiều tiêu chuẩn khác nhau để một sản phẩm được coi là hợp quy cách.
– Đào tạo lại cho NLĐ
Theo ILO, Việt Nam là một trong những nước chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ cách mạng công nghiệp 4.0. Theo đó, những ngành sử dụng nhiều lao động phổ thông sẽ chịu tác động lớn, nguy cơ thất nghiệp cao do sự phát triển của công nghệ tự động và trí tuệ nhân tạo. Điều đó đòi hỏi nguồn nhân lực phải được trang bị kiến thức, kỹ năng phù hợp để đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới. Hiện nay, tỷ lệ NLĐ đã qua đào tạo khi tham gia vào TTLĐ là 90% nhưng tỷ lệ NLĐ tại doanh nghiệp phải đào tạo lại đến 70% mới đáp ứng được yêu cầu công việc. Nhu cầu đào tạo của NLĐ tại các doanh nghiệp dệt may có tỷ lệ cao nhất (40%), sau đó là công nghệ thông tin (14%), cơ khí (8,1%)…[6]. Báo cáo năng lực cạnh tranh toàn cầu của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) cho thấy, năng lực cạnh tranh quốc gia của Việt Nam hiện đứng thứ 67 trên 141 quốc gia. Riêng về chất lượng đào tạo nghề, nước ta đứng thứ 80 trên 100 quốc gia trên thế giới và tại khu vực ASEAN, Việt Nam đứng sau Singapore, Malaysia, Thái Lan, Indonesia và Philippines[7].
Hiện nay, NSDLĐ tiến hành đào tạo bổ sung NLĐ nếu NLĐ không phù hợp công việc được đảm nhận. Hai bên phải ký kết hợp đồng đào tạo trong trường hợp NLĐ được đào tạo, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề, đào tạo lại ở trong nước hoặc nước ngoài từ kinh phí của NSDLĐ, kể cả kinh phí do đối tác tài trợ cho NSDLĐ. Ngoài ra, Nhà nước khuyến khích doanh nghiệp mở rộng nhiều loại hình đào tạo thuận lợi cho lao động nữ có thêm nghề dự phòng và phù hợp với đặc điểm về cơ thể, sinh lý và chức năng làm mẹ của phụ nữ[8]. Theo khảo sát về thực trạng việc làm của lao động nữ trong các doanh nghiệp cho thấy trình độ, năng lực chuyên môn nghề nghiệp của lao động nữ còn thấp, định hướng nghề nghiệp vẫn theo truyền thống và sử dụng chủ yếu sức lao động. Số lượng lao động nữ chiếm 70% ở các ngành dệt may, da giầy, chế biến nông sản và làm việc trong điều kiện chưa được cải thiện, thời gian làm việc kéo dài, việc làm bấp bênh, rủi ro cao[9].
Ngoài ra, NLĐ làm việc trong lĩnh vực nghệ thuật, thể dục, thể thao, hàng hải, hàng không được áp dụng một số chế độ phù hợp về đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề[10]. Trong trường hợp thay đổi cơ cấu, công nghệ mà có chỗ làm việc mới thì ưu tiên đào tạo lại NLĐ để tiếp tục sử dụng[11]. Quy định này không bắt buộc NSDLĐ phải đào tạo lại NLĐ để sử dụng, chỉ là quy phạm có tính gợi ý và khuyến khích. Tuy vậy, theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), nhiều doanh nghiệp đã tổ chức hoạt động đào tạo thông qua vị trí công việc. Khoảng 70% – 80% số lượng doanh nghiệp dệt may, da giày, điện tử… đã cử lao động lành nghề có kỹ năng đứng ra kèm cặp cho các NLĐ mới tham gia vào các công đoạn trên dây chuyền sản xuất[12]. Tại nhiều doanh nghiệp như Tổng công ty May 10 còn liên tục mở các lớp đào tạo nghiệp vụ, kiến thức chuyên sâu cho NLĐ như: đào tạo tiếng Anh giao tiếp; kỹ năng lập kế hoạch, quản lý thời gian cho nhân viên văn phòng; kỹ năng cho đội ngũ nhân viên bán hàng; cập nhật xu hướng thời trang cho đội ngũ thiết kế, bán hàng…[13]. Thậm chí, một số doanh nghiệp còn thành lập công ty con về đào tạo (Tổ chức giáo dục FPT)[14] thuộc Tập đoàn FPT.
Hiện nay, ngoài kinh phí của doanh nghiệp, khi tiến hành đào tạo nghề cho NLĐ, doanh nghiệp có thể được hưởng chế độ đỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho NLĐ[15]. Đây là một chế độ hỗ trợ NLĐ thông qua NSDLĐ để phòng ngừa nguy cơ thất nghiệp khi NLĐ tham gia BHTN. Chế độ này thể hiện sự chia sẻ của quỹ BHTN đối với NSDLĐ khi gặp khó khăn mà không thể đào tạo, nâng cao bồi dưỡng tay nghề cho NLĐ để giúp NLĐ giữ được việc làm. Quy định này tiến bộ, vừa phù hợp với Luật giáo dục nghề nghiệp năm 2014 về giảm gánh nặng chi phí cho NSDLĐ, giúp cho NSDLĐ vượt qua khó khăn mà vẫn sử dụng được những NLĐ mà mình đã tuyển dụng.
Để được hưởng chế độ hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề nhằm duy trì việc làm cho NLĐ thì NSDLĐ cần đáp ứng các điều kiện quy định tại Điều 47 Luật việc làm năm 2013 và Điều 3 Nghị định số 28/2015/NĐ-CP. Mức hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề tối đa 01 triệu đồng/người/tháng. Mức hỗ trợ cụ thể được tính theo tháng, thời gian học thực tế của từng nghề hoặc từng khóa học nhưng không quá 06 tháng. Đối với khóa đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề có mức chi phí cao hơn mức hỗ trợ theo quy định trên, thì phần vượt quá mức hỗ trợ do NSDLĐ tự chi trả.[16]
1.2 Trách nhiệm đào tạo nghề của Nhà nước đối với NLĐ
“Đào tạo trọn đời” là một nội dung của lý thuyết ANVL việc làm nhằm đảm bảo ANVL cho NLĐ trong TTLĐ linh hoạt. Hoạt động đào tạo nghề có vai trò quan trọng trong việc định hướng nghề nghiệp để tạo ra một lực lượng lao động luôn đáp ứng một cách tốt nhất nhu cầu của TTLĐ. Hỗ trợ học nghề là một phần trong chính sách BHTN nhằm giúp NLĐ chuyển đổi nghề nghiệp để sớm quay trở lại TTLĐ.
Giáo dục và đào tạo kỹ năng được coi là yếu tố cốt lõi trong việc xác định cơ hội làm việc của người thất nghiệp . Các chương trình đào tạo là biện pháp can thiệp TTLĐ được sử dụng rộng rãi nhất. Trong giai đoạn thất nghiệp, NLĐ có thể phải đối diện với khó khăn để tìm kiếm việc làm. Do đó, đào tạo, nâng cao kỹ năng nghề nghiệp giúp NLĐ phòng ngừa trước rủi ro mất thu nhập trong thời gian thất nghiệp, đồng thời cung cấp cho người tìm việc những động cơ thích hợp để tái gia nhập TTLĐ. Ưu điểm chính của đào tạo khi thất nghiệp là chi phí thấp và diễn ra trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, kỹ năng NLĐ thu nhận được tương đối hạn chế, có thể không đủ để đảm bảo ổn định việc làm và thu nhập trong dài hạn. Ngược lại, đào tạo chuyên sâu về kỹ năng tạo ra lợi ích lâu dài.
Để được hưởng chế độ hỗ trợ học nghề, NLĐ phải đáp ứng các điều kiện quy định tại Điều 55 Luật việc làm năm 2013, cụ thể: i) NLĐ đủ các điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; ii) đã nộp hồ sơ hưởng TCTN tại trung tâm DVVL do cơ quan quản lý nhà nước về việc thành lập trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày chấm dứt HĐLĐ hoặc HĐLV; iii) chưa tìm được việc làm sau 15 ngày, kể từ ngày nộp hồ sơ hưởng BHTN; iv) đã đóng BHTN từ đủ 9 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt HĐLĐ.
Theo Quyết định số 17/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng quy định về mức hỗ trợ học nghề đối với NLĐ tham gia BHTN, kể từ ngày 15/5/2021, người tham gia BHTN bị mất việc làm sẽ được hỗ trợ học nghề theo 2 gói. Gói thứ nhất, dành cho người tham gia khóa đào tạo nghề đến 3 tháng, hưởng tối đa 4,5 triệu đồng/người/khóa đào tạo (hiện nay là 3 triệu đồng). Gói thứ hai, dành cho người tham gia khóa đào tạo nghề trên 3 tháng, mức hỗ trợ tính theo tháng, tối đa không quá 1,5 triệu đồng/người/tháng. Hiện nay, chế độ hỗ trợ học nghề nhằm chuyển đổi nghề nghiệp khi thất nghiệp được đánh giá còn nhiều hạn chế. Người thất nghiệp chủ yếu là NLĐ phổ thông làm việc trong các lĩnh vực như may mặc, giày da, xây dựng… Số lao động này trải qua quá trình đi làm đã có tay nghề nhờ được đào tạo tại doanh nghiệp nên dù bị thất nghiệp thì họ vẫn có cơ hội tìm được việc làm mới. Bên cạnh đó, kinh phí hỗ trợ học nghề quá thấp cũng là nguyên nhân khiến NLĐ bị thất nghiệp không “mặn mà” với việc học nghề mới. Chi phí dạy nghề hiện nay đều cao hơn so với mức hỗ trợ này rất nhiều. Ngoài ra, phần chính sách của BHTN chỉ hỗ trợ học phí học nghề, chưa hỗ trợ các chi phí khác. Do đó, NLĐ bị thất nghiệp còn rất quan tâm tới công tác dạy nghề. Theo thống kê của Bộ LĐTBXH, tính đến cuối năm 2020, tổng số người được hỗ trợ học nghề là hơn 251.000 người, với số tiền hỗ trợ từ Quỹ BHTN là hơn 482 tỷ đồng. Số NLĐ được hỗ trợ học nghề khoảng 230.000 người, chỉ chiếm khoảng 5% số người hưởng TCTN[17]. Khi nghiên cứu pháp luật về đào tạo nghề cho NLĐ, có thể nhận thấy một số bất cập như sau:
Thứ nhất, chưa có quy định hướng dẫn cụ thể về trách nhiệm đào tạo của NSDLĐ đối với NLĐ
Theo quy định tại Điều 60 BLLĐ năm 2019, NSDLĐ có trách nhiệm xây dựng kế hoạch hằng năm và dành kinh phí cho việc đào tạo và tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề cho NLĐ; đào tạo cho NLĐ trước khi chuyển làm nghề khác. Điều này xuất phát từ trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp đối với nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Ngoài ra, việc trang bị kiến thức, kỹ năng NLĐ thực hiện công việc hiệu quả cũng hạn chế tình trạng doanh nghiệp cố ý chuyển NLĐ làm công việc khác mà không đào tạo cho họ, dẫn đến NLĐ thường xuyên không hoàn thành công việc. Khi thực hiện, tổ chức đào tạo cho NLĐ, doanh nghiệp có trách nhiệm thông báo kết quả cho Sở LĐTBXH. Điều này giúp Nhà nước có thể nắm được nhu cầu, xu hướng nghề nghiệp của NLĐ, năng lực đào tạo, bồi dưỡng nghề nghiệp của các cơ sở dạy nghề, từ đó kịp thời có những chính sách phù hợp phục vụ cho việc phát triển nghề nghiệp. Tuy vậy, hiện pháp luật chưa có hướng dẫn cụ thể đối với nội dung này. Mức xử phạt đối với hành vi “không đào tạo cho người lao động trước khi chuyển người lao động sang làm nghề khác cho mình” còn hạn chế (Mức tối đa là 20 triệu đồng) .
Ngoài ra, đối với quy định về trách nhiệm đào tạo nghề dự phòng cho lao động nữ và lao động là người khuyết tật cũng chưa cụ thể. Khoản 5 Điều 135 BLLĐ năm 2019 quy định Nhà nước có chính sách “…Mở rộng nhiều loại hình đào tạo thuận lợi cho lao động nữ có thêm nghề dự phòng và phù hợp với đặc điểm về cơ thể, sinh lý và chức năng làm mẹ của phụ nữ”. Tuy nhiên Nhà nước cũng chưa quy định các biện pháp xử lý đối với các doanh nghiệp không thực hiện hoặc thực hiện không tốt nghĩa vụ đào tạo nghề dự phòng cho lao động nữ. Đối với lao động là người khuyết tật, PLLĐ không có quy định trách nhiệm của NSDLĐ trong đào tạo, nâng cao trình độ cho nhóm đối tượng này. Theo thống kê của Ủy ban Quốc gia về người khuyết tật Việt Nam, số lượng NKT chưa qua đào tạo nghề chiếm khoảng 95% . Sự khác nhau về dạng tật là nguyên nhân ảnh hưởng rất lớn đến việc lựa chọn nghề nghiệp, tiếp thu kiến thức của NKT.
Ngoài ra, các quy định về điều kiện hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho NLĐ là khá chặt chẽ, hiếm khi xảy ra. Do đó, NSDLĐ khó tiếp cận được với chế độ này. Các chương trình đảm bảo việc làm, chính sách bù tiền lương đối với doanh nghiệp gặp khó khăn giảm giờ làm (chia sẻ công việc) thay vì sa thải lao động, hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng chiến lược sử dụng sắp xếp NLĐ hợp lý, chính sách khuyến khích NLĐ tự tạo việc làm,…chưa được đầu tư chú trọng.
Thứ hai, doanh nghiệp chưa chú trọng đào tạo kỹ năng, trình độ nghề nghiệp cho người lao động
Doanh nghiệp Việt Nam phát triển khá mạnh trong những năm gần đây, nhưng có 98% là doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, trình độ và năng lực cạnh tranh còn thấp, tiềm lực tài chính còn hạn chế va chưa có mối liên kết theo ngành để hình thành các chủ thể QHLĐ của ngành. Lao động trong các doanh nghiệp những năm gần đây được tuyển dụng chủ yếu từ nông thôn và nông dân, đội ngũ công nhân lành nghề còn ít. Trong tổng số lao động có việc làm của nền kinh tế, có 62,33% NLĐ đang làm các công việc phù hợp với trình độ chuyên môn kỹ thuật, và hơn 1/3 NLĐ đang làm công việc không phù hợp với trình độ chuyên môn kỹ thuật của họ. Tỷ lệ trên cho thấy sự chênh lệch lớn giữa đào tạo kỹ năng và nhu cầu của thị trường lao động. Hiện nay, có khoảng 80% doanh nghiệp đã chủ động đào tạo bồi dưỡng, nâng cao năng lực lao động; khoảng 80% các doanh nghiệp biết đến công nghệ đặc thù trong cách mạng công nghiệp lần thứ tư nhưng có tới khoảng 40% doanh nghiệp chưa có sự chuẩn bị về nhân lực . Đây là một sự hạn chế của cộng đồng doanh nghiệp trong việc chuẩn bị lực lượng lao động nhằm thích ứng với những thay đổi trong cách mạng công nghiệp lần thứ tư và tái cấu trúc nền kinh tế.
Hiện nay, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đào tạo nghề cho NLĐ còn phức tạp về thủ tục và mức hỗ trợ. Theo Nghị quyết 68/NQ-CP ngày 01/07/2021 của Chính phủ, điều kiện hưởng để doanh nghiệp được nhận hỗ trợ kinh phí đào tạo nghề là phải tham gia BHXH trên 12 tháng, người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp.. Mức hỗ trợ là 1,5 triệu đồng/người/ tháng, tối đa 6 tháng chi trực tiếp cho cơ sở đào tạo. Tuy nhiên, theo thống kê của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ LĐTBHX), tính đến ngày 18/5/2022, sau hơn 10 tháng triển khai, cả nước mới có hơn 200 doanh nghiệp yêu cầu hỗ trợ và đề nghị được hướng dẫn thủ tục thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo để duy trì việc làm cho gần 100.000 NLĐ, với kinh phí dự kiến gần 500 tỉ đồng. Trong đó, 48 đơn vị đã hoàn thiện hồ sơ đề nghị cho gần 10.000 NLĐ với tổng kinh phí dự kiến gần 70 tỉ đồng . Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam (VINASME) hiện đề xuất kéo dài thời gian thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho NLĐ đến hết năm 2023, đồng thời bỏ quy định DN phải chứng minh phương án duy trì việc làm.
- Định hướng và một số kiến nghị hoàn thiện pháp luật về đào tạo nghề cho người lao động
Việc làm là chính sách quan trọng trong hệ thống ASXH, hướng đến mục tiêu việc làm bền vững và tạo cơ hội bình đẳng cho mọi người trong xã hội. Giải quyết việc làm cũng là tiền đề sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực đáp ứng TTLĐ trong bối cảnh hội nhập. Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII ghi nhận: “…đảm bảo chính sách lao động, việc làm, thu nhập, thực hiện tốt phúc lợi xã hội, an sinh xã hội. Không ngừng cải thiện toàn diện đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân”. Trong Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm (giai đoạn 2021 – 2030) định hướng nhằm đảm bảo chiến lược giải quyết việc làm bao gồm: Đổi mới phương pháp tiếp cận trong xây dựng và thực hiện pháp luật, chính sách lao động, việc làm bám sát với thực tiễn phát triển kinh tế – xã hội của đất nước và xu hướng của thời đại; Tạo môi trường và điều kiện để phát triển TTLĐ đồng bộ, hiện đại, linh hoạt, thống nhất, hội nhập, có sự quản lý, điều tiết của Nhà nước; Tập trung xây dựng, hoàn thiện hệ thống thông tin TTLĐ, nâng cao chất lượng dự báo nhằm nâng cao hiệu quả kết nối cung – cầu lao động và chất lượng DVVL; khuyến khích xây dựng các mô hình liên kết, đào tạo và giới thiệu việc làm;…
Đối với chiến lược phát triển kỹ năng nghề nghiệp, Ban chấp hành Trung ương ban hành Chỉ thị số 37-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đào tạo nhân lực có tay nghề cao. Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ đã ra Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 28/5/2020 về việc đẩy mạnh phát triển nhân lực có kỹ năng nghề, góp phần nâng cao năng suất lao động và tăng năng lực cạnh tranh quốc gia trong tình hình mới. Đây là những định hướng rất quan trọng để phát triển giáo dục nghề nghiệp trong thời gian tới. Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp được coi là “nền tảng tư tưởng” có tính chất hướng để thúc đẩy sự phát triển hệ thống giáo dục nghề nghiệp trong thời gian tới.
Hiện nay, nguồn chất lượng nhân lực của Việt Nam còn thấp, cung chưa đáp ứng cầu sử dụng và dịch chuyển quá trình lao động chưa phù hợp với quá trình dịch chuyển cơ cấu kinh tế. Lực lượng lao động Việt Nam là 54,56 triệu người. Tuy nhiên, số lượng NLĐ có trình độ chuyên môn kỹ thuật là 11,39 triệu, chiếm 20,92% tổng lực lượng lao động. Tương quan này cảnh báo về sự thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao trong bối cảnh Việt Nam đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa[18]. Do đó, nhiệm vụ quan trọng là phải xây dựng TTLĐ ổn định, hài hòa và hiện đại, đáp ứng được nhu cầu chất lượng nguồn nhân lực, quá trình chuyển dịch cơ cấu lao động giữa các ngành, các lĩnh vực trong nước trong quá trình hội nhập; chuyển dịch cơ cấu lao động đáp ứng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và phù hợp quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế của đất nước.
Nhằm hoàn thiện quy định về đào tạo nghề cho NLĐ, tác giả cho rằng cần cân nhắc thực hiện một số kiến nghị sau:
Thứ nhất, hoàn thiện quy định về trách nhiệm đào tạo bắt buộc của người sử dụng lao động
Trong xã hội tri thức, học tập suốt đời dưới hình thức giáo dục và đào tạo liên tục (Continuous education and training – CET) là nguyên tắc cơ bản nhằm thúc đẩy sự phát triển kinh tế và khả năng cạnh tranh của quốc gia, góp phần gắn kết xã hội và sự hoàn thiện cá nhân của NLĐ. Học tập suốt đời đóng vai trò quan trọng để lực lượng lao động trẻ có thể được tiếp cận với chương trình đào tạo nâng cao. Việc làm trong thị trường lao động là thước đo nhu cầu xã hội. Nếu đào tạo không gắn với nhu cầu xã hội sẽ ngay lập tức xuất hiện hiện tượng mất cân đối, vừa thừa, vừa thiếu nhân lực như hiện nay. Tuy nhiên mối quan hệ “cung – cầu” này luôn tồn tại dưới dạng “cân bằng động” điều đó cho thấy đào tạo nghề phải linh hoạt, thích ứng với nhu cầu xã hội luôn thay đổi. Theo Công ước số 142 (1975) của ILO về phát triển nguồn nhân lực, 1975 (số 142), các chính sách phát triển nguồn nhân lực, giáo dục, đào tạo và học tập suốt đời nhằm cần được phát triển với mục đích tạo ra việc làm và cơ hội tốt cho NLĐ phát triển sự nghiệp.
Tại các đơn vị sử dụng lao động, khi công việc của NLĐ bị thay đổi, NLĐ có thể sẽ phải đối diện với các biến động tiêu cực từ môi trường làm việc. Công việc mới không phù hợp với năng lực, chuyên môn được đào tạo khiến NLĐ gặp khó khăn trong quá trình tiếp nhận. Do đó, pháp luật tại một số quốc gia yêu cầu NSDLĐ phải có nghĩa vụ bắt buộc đào tạo NLĐ. Chẳng hạn, pháp luật của Cộng hoà Pháp quy định: Tất cả nhân viên được cấp quyền được hưởng lợi từ việc tiếp cận đào tạo chuyên môn trong quá trình làm việc của họ. NSDLĐ phải đảm bảo cho NLĐ thích nghi với vị trí công việc của họ; phải đảm bảo NLĐ duy trì năng lực để thực hiện nhiệm vụ, đặc biệt là dựa trên sự phát triển của công việc, công nghệ[19]. Tại Anh, NSDLĐ có trách nhiệm cung cấp các khóa đào tạo về sức khỏe và an toàn cho NLĐ. Tất cả các buổi đào tạo phải được thực hiện trong giờ làm việc được trả lương. Ở Phần Lan, NSDLĐ có trách nhiệm phối hợp với tổ chức đại diện NLĐ lập kế hoạch đào tạo. Kế hoạch phải tính đến những thay đổi có thể xảy ra trong hoạt động của công ty liên quan đến thành phần, số lượng hoặc kỹ năng nghề nghiệp của nhân sự nhằm duy trì và cải thiện kỹ năng nghề nghiệp của NLĐ[20].Hiện nay, vai trò của doanh nghiệp trong đào tạo nghề cho NLĐ được ghi nhận trong nhiều văn bản như Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017[21]. Luật Giáo dục nghề nghiệp năm 2014 quy định quyền và trách nhiệm của doanh nghiệp trong giáo dục nghề nghiệp, trong đó đã quy định chính sách ưu đãi dành cho doanh nghiệp khi tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp.
Tuy vậy, quy định của pháp luật Việt Nam về trách nhiệm của NSDLĐ trong việc tổ chức đào tạo cho NLĐ tương đối hạn chế. Trách nhiệm đào tạo của NSDLĐ chỉ bao gồm các trường hợp như đào tạo nghề dự phòng cho NLĐ nữ, khi thực hiện chấm dứt HĐLĐ do thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc chấm dứt vì lý do kinh tế thì NSDLĐ phải “ưu tiên” đào tạo lại cho NLĐ. Các quy định về nghĩa vụ đào tạo thường xuyên hay quy định số giờ đào tạo tối thiểu cho NLĐ hiện còn đang là khoảng trống pháp lý. Mặc dù, nội dung về đào tạo, nâng cao trình độ, kỹ năng cho NLĐ là nội dung bắt buộc phải ghi nhận trong HĐLĐ. Tuy nhiên, pháp luật chưa có hướng dẫn cụ thể về trách nhiệm của NLĐ trong trường hợp này. Trên thực tế, các doanh nghiệp đào tạo cho NLĐ dựa trên nhu cầu, cam kết được thể hiện trong các bộ quy tắc ứng xử hoặc theo yêu cầu của nhãn hàng trong chuỗi cung ứng. Ngoài ra, cần liên kết trung tâm dịch vụ việc làm với doanh nghiệp. Theo đó, thay vì học ở các trung tâm dạy nghề được chỉ định như hiện nay, NLĐ sẽ đào tạo ở những doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng, trên hệ thống thiết bị, máy móc hiện đại. Sau khi hoàn thành khóa học, trên cơ sở đánh giá năng lực, nhu cầu doanh nghiệp sẽ nhận những học viên đạt yêu cầu. Theo thống kê từ Cục Việc làm, số người thất nghiệp lựa chọn học nghề thấp, chỉ chiếm khoảng 1% số người đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp. Đa số lựa chọn một số nghề trình độ sơ cấp như nấu ăn, pha chế đồ uống, sửa chữa xe máy…[22]
Thứ hai, hoàn thiện các quy định về đào tạo, chuyển đổi nghề nghiệp cho người lao động
Đào tạo nghề là một trong những nhiệm vụ quan trọng tạo nguồn nhân lực có khả năng thích ứng với những biến đổi nhanh chóng của TTLĐ, đáp ứng các yêu cầu của hội nhập quốc tế, góp phần phát triển nhanh và bền vững đất nước. Trong thời kỳ Cách mạng công nghiệp 4.0 đào tạo nghề cần được phát triển mạnh cả về quy mô và chất lượng để đáp ứng tăng trưởng và phát triển bền vững. Tự chủ, chuẩn hóa và doanh nghiệp là ba khâu tạo ra đột phá cho giáo dục nghề nghiệp. ANVL sẽ kích thích đầu tư và không tạo ra những nút thắt trên TTLĐ. Thay vào đó, nó khuyến khích NSDLĐ đầu tư vào đào tạo và nâng cao kỹ năng cho NLĐ. Khả năng tìm kiếm và giữ được việc làm của một cá nhân liên quan nhiều đến trình độ học vấn cơ bản; các cá nhân có trình độ học vấn càng thấp, họ càng có nhiều khả năng thất nghiệp.
– Đổi mới đào tạo nghề cần chú trọng cả quy mô, cơ cấu và chất lượng đào tạo; tăng quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm cho các cơ sở đào tạo nghề; kế thừa và phát huy những thành tựu đã đạt được, tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm quốc tế phù hợp với điều kiện kinh tế – xã hội của Việt Nam; chuẩn hóa đào tạo nghề theo hướng hội nhập quốc tế; tạo sự đột phá về chất lượng nhân lực nghề.
– Phát triển hệ thống đào tạo nghề theo hướng mở, đa dạng, linh hoạt với nhiều phương thức và trình độ đào tạo để đáp ứng nhu cầu của cả NLĐ và NSDLĐ; chú trọng kỹ năng nghề suốt đời nhằm nâng cao năng suất lao động; gắn kết chặt chẽ đào tạo nghề với nhu cầu của TTLĐ, lấy sự chấp nhận của TTLĐ là thước đo hiệu quả đào tạo nghề.
– Đa dạng hóa các nguồn lực đầu tư cho đào tạo nghề, trong đó Nhà nước giữ vai trò chủ đạo. Nhà nước ưu tiên tập trung đầu tư đồng bộ để hình thành các trường chất lượng cao; các ngành, nghề trọng điểm quốc gia, các ngành, nghề tiếp cận với trình độ tiên tiến của khu vực, quốc tế; chú trọng phát triển kỹ năng nghề cho các đối tượng và ngành, nghề đặc thù.
– Đổi mới đào tạo nghề, tạo cơ hội việc làm, nâng cao thu nhập và năng suất của nhân lực nghề là nhiệm vụ chung của cả hệ thống chính trị và cần sự chung tay gánh vác trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước, các cơ sở đào tạo, các doanh nghiệp, các cơ quan báo chí, truyền thông, phụ huynh, học sinh và NLĐ.
Tài liệu tham khảo:
- Bộ luật lao động năm 2019
- Luật Giáo dục nghề nghiệp 2014
- Judicaël Fouquet (2014), Employer’s duty to provide professional training: the employer must take a pro-active approach. Link truy cập:
- Thu Thuỷ (2019), Thúc đẩy đào tạo nghề cho lao động nữ thời kỳ hậu Covid- 19. Link truy cập: https://nghenghiepcuocsong.vn/thuc-day-dao-tao-nghe-cho-lao-dong-nu-thoi-ky-hau-covid-19/
[1]ILO 2003), Learning and training for work in the knowledge society, Báo cáo thứ 4, ILC 91. Link truy cập
https://www.ilo.org/public/english/standards/relm/ilc/ilc91/rep-iv-1.htm
[2] Tuyên ngôn thế giới về quyền con người (1948);. Ở cấp độ khu vực, quyền này được công nhận bởi Tuyên bố về Lao động và Xã hội của Mercosur (1998) và Hiến chương về các Quyền cơ bản của Liên minh Châu Âu (2000).
[3] European Commission (2007) Towards Common Principles of Flexicurity: More and better jobs through flexibility and security, COM (2007) 359 final.
[4] Overbeek, H. (2003). The political economy of European employment. In: Overbeek, H. (Ed.). European integration and the transnationalization of the (un) employment question (pp 27). London: Routledge.
[5]Benoit Dostie, Who benefits from firm-sponsored training?. Link truy cập:
[6] Lê Tuyết, Doanh nghiệp đào tạo lại lao động đến 70% là đào tạo những gì?. Link truy cập:
https://laodong.vn/cong-doan/doanh-nghiep-dao-tao-lai-lao-dong-den-70-la-dao-tao-nhung-gi-644333.ldo
[7] Thu Nga – Mạnh Hùng (2022, Nâng cao chất lượng đào tạo nghề đáp ứng yêu cầu cách mạng 4.0. Link truy cập:
https://tapchicokhi.com.vn/post/nang-cao-chat-luong-dao-tao-nghe-dap-ung-yeu-cau-cach-mang-40
[8] Điều 135 BLLĐ 2019; Điều 79 Nghị định 145/2020/NĐ-CP
[9] Thu Thuỷ (2019), Thúc đẩy đào tạo nghề cho lao động nữ thời kỳ hậu Covid- 19. Link truy cập:
https://nghenghiepcuocsong.vn/thuc-day-dao-tao-nghe-cho-lao-dong-nu-thoi-ky-hau-covid-19/
[10] Điều 166 BLLĐ năm 2019
[11] Khoản 3 Điều 42 BLLĐ năm 2019
[12] https://laodongthudo.vn/khuyen-khich-doanh-nghiep-tham-gia-dao-tao-nghe-132922.html
[13] Bích Trần (2021), Doanh nghiệp Dệt May chủ động đào tạo tại chỗ cho người lao động. Link truy cập
[14] Link truy cập:
[15] Điều 42 Luật Việc làm năm 2013
[16] Điều 4 Nghị định số 28/2015/NĐ-CP.
[17]http://tinhuyninhbinh.vn/Th%C3%B4ng-tin-chuy%C3%AAn-%C4%91%E1%BB%81/Ch%E1%BA%BF-%C4%91%E1%BB%99-ch%C3%ADnh-s%C3%A1ch/rong-cua-hoc-nghe-doi-voi-lao-dong-that-nghiep-18403
[18] Tình hình thực hiện chính sách việc làm và phát triển thị trường lao động ở Việt Nam. Linh truy cập:
[19]Judicaël Fouquet (2014), Employer’s duty to provide professional training: the employer must take a pro-active approach. Link truy cập:
[20]Quan điểm được thể hiện trên website tại địa chỉ sau:
[21] Trích dẫn Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 “Tăng cường gắn kết giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp theo hướng khuyến khích các doanh nghiệp phát triển các cơ sở giáo dục nghề nghiệp để đào tạo đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp và thị trường lao động. Xây dựng chính sách để doanh nghiệp được tham gia giáo dục nghề nghiệp theo hình thức đặt hàng của Nhà nước và của doanh nghiệp khác; được tham gia xây dựng danh mục ngành, nghề đào tạo, xây dựng chương trình đào tạo, đào tạo tại cơ sở giáo dục nghề nghiệp và đánh giá kết quả học tập của học sinh, sinh viên.”
[22] https://baotintuc.vn/xa-hoi/nghich-ly-that-nghiep-nhung-it-chon-hoc-nghe-20210312145647339.htm