Tiêu chuẩn lao động quốc tế cơ bản
![](https://luatlaodong.com.vn/wp-content/uploads/2024/02/anh-trang-chu-1-scaled.jpeg)
Trong hơn 90 năm tồn tại, Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) đã thông qua 190 công ước xác định các tiêu chuẩn lao động quốc tế trong nhiều lĩnh vực khác nhau, chẳng hạn như giới hạn về thời gian làm việc, tiêu chuẩn an toàn và sức khỏe nghề nghiệp, chính sách việc làm, điều kiện làm việc cho một số loại người lao động cụ thể. Để các công ước của ILO có giá trị pháp lý và được thi hành ở mỗi quốc gia thành viên, chúng phải được chính phủ quốc gia phê chuẩn. Tuy nhiên, có một nhóm gồm tám công ước cơ bản về quyền, thường được gọi là Tiêu chuẩn Lao động Cốt lõi (Core Labour Standard – CLS) áp dụng cho tất cả các quốc gia thành viên ILO cho dù họ có phê chuẩn chúng hay không.
Toàn cầu hóa có ảnh hưởng mạnh mẽ đến vấn đề lao động cũng như đến pháp luật lao động (3). Chính những ảnh hưởng này đã dẫn đến nhiều quan điểm khác nhau về vai trò của các tiêu chuẩn lao động quốc tế, cũng như xác định như thế nào là tiêu chuẩn lao động quốc tế cơ bản – TCLĐQTCB. Các quan điểm này bắt đầu xuất hiện từ khi cuộc chiến tranh lạnh chấm dứt. Khi đó, cuộc đối đầu giữa hai hệ chính trị khác nhau được thay thế bằng cuộc chiến giữa những người ủng hộ toàn cầu hóa tự do hoàn toàn với đặc trưng là tự do thương mại, tự do đầu tư, quyền sở hữu trí tuệ và một bên là những người ủng hộ việc lập ra các quy định toàn cầu để bảo vệ người lao động cũng như bảo vệ môi trường trước những ảnh hưởng tiêu cực của quá trình toàn cầu hóa
Quan điểm thứ nhất phủ nhận vai trò của ILO trong quá trình toàn cầu hóa. Những người theo quan điểm này cho rằng ILO có cách tiếp cận không lạc quan đối với quá trình toàn cầu hóa. Theo quan điểm của họ, thay vì thúc đẩy phát triển kinh tế để có thể đem lại lợi ích cho mọi người, ILO vẫn duy trì cách thức tiếp cận cũ, cách thức lập quy theo lối suy nghĩ của thế kỷ trước mà không thể hiện vai trò tích cực trong việc tiếp cận các cơ hội cũng như thách thức mới của nền kinh tế trong quá trình toàn cầu hóa . Những người theo quan điểm này, căn cứ vào chủ thuyết thương mại tự do (neo-liberal), họ coi các tiêu chuẩn lao động là rào cản đối với thị trường, và theo họ, điều kiện lao động sẽ được cải thiện từ quá trình phát triển kinh tế, và tất cả mọi người (trong đó tất nhiên có người lao động) sẽ được hưởng lợi từ quá trình toàn cầu hóa. Quan điểm này cho rằng, nếu như các tiêu chuẩn lao động được sử dụng để điều chỉnh những khuyết tật của thị trường lao động ở các quốc gia khác nhau, thì không có lý do gì để xây dựng các tiêu chuẩn lao động ở cấp độ quốc tế. Nhóm quan điểm này đi đến kết luận rằng, việc xây dựng và áp dụng các tiêu chuẩn lao động quốc tế là không cần thiết và vai trò của ILO cũng không cần thiết
Quan điểm thứ hai đến từ những người theo trường phái thương mại công bằng (fair-trade); những tổ chức dân sự và nhóm những nhà hoạt động về quyền của người lao động. Những người theo quan điểm này cho rằng, bên cạnh những mặt tích cực, toàn cầu hóa cũng bộc lộ những mặt tiêu cực của mình. Trong quá trình toàn cầu hóa, nhiều vấn đề lao động bức xúc vẫn xảy ra. Tình trạng lao động trẻ em, lao động cưỡng bức, bóc lột, tình trạng phân biệt đối xử trong lao động, điều kiện lao động tồi tàn, người lao động bị bóc lột vẫn diễn ra nhiều và có xu hướng phức tạp hơn. Họ khẳng định rằng, trong bối cảnh toàn cầu hóa, các tiêu chuẩn lao động quốc tế càng đóng vai trò quan trọng hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, những người theo quan điểm này cho rằng, ILO đã thất bại trong việc bảo đảm thi hành các tiêu chuẩn do chính mình ban hành và việc vi phạm các tiêu chuẩn lao động quốc tế vẫn rất phổ biến. Phương pháp bảo đảm thi hành các tiêu chuẩn lao động quốc tế của ILO dựa trên việc thuyết phục là chính cho nên không hiệu quả. Từ đó, họ đề xuất đưa các tiêu chuẩn lao động quốc tế vào trong các hiệp định thương mại và sử dụng chế tài thương mại đối với những quốc gia vi phạm pháp luật lao động quốc tế
Tuyên bố của ILO tại Hội nghị Lao động Quốc tế đã quyết định coi việc áp dụng tám công ước về quyền cơ bản như một điều kiện thực tế của tư cách thành viên ILO khi thông qua Tuyên bố của ILO về các Nguyên tắc và Quyền Cơ bản tại Nơi làm việc vào năm 1998. Tuyên bố của ILO đã xác định bốn nguyên tắc này liên quan đến các quyền cơ bản của tám công ước đó (Công ước ILO 29, 87, 98, 100, 111, 105, 111, 138 và 182):
• Tự do hiệp hội và quyền thương lượng tập thể
• Loại bỏ mọi hình thức ép buộc hoặc bắt buộc lao động
• Xóa bỏ lao động trẻ em một cách hiệu quả
• Xóa bỏ phân biệt đối xử về việc làm và nghề nghiệp
Tại sao những tiêu chuẩn lao động quốc tế nêu trên lại là tiêu chuẩn lao động “cơ bản”?
Thứ nhất, các TCLĐQTCB gắn chặt với những quyền cơ bản của con người, của người lao động. Những quyền này được quy định trong Tuyên ngôn toàn thế giới về nhân quyền năm 1948, Công ước quốc tế về các quyền chính trị và dân sự năm 1966.
Thứ hai, các TCLĐQTCB đóng vai trò quan trọng cho sự hoạt động có hiệu quả của nền kinh tế thị trường. Các tiêu chuẩn này chứa đựng các nguyên tắc điều chỉnh sự vận hành của thị trường lao động, chúng tương thích với nguyên tắc bảo vệ quyền sở hữu tài sản và nguyên tắc tự do giao dịch trong nền kinh tế thị trường. Ngoài ra, các tiêu chuẩn lao động nêu trên, đặc biệt là tiêu chuẩn về tự do hiệp hội và quyền thương lượng tập thể, khi được thi hành sẽ tạo ra cơ sở pháp lý cho người lao động và người sử dụng lao động thiết lập các tiêu chuẩn lao động khác trong quan hệ lao động. Ví dụ, đại diện của người lao động và người sử dụng lao động có thể thương lượng về tiền lương, thời gian làm thêm, thời gian nghỉ phép năm… Đây chính là nền tảng cho sự vận hành của thị trường lao động.
Thứ ba, việc thi hành các TCLĐQTCB không làm tăng chi phí xã hội. Trong hệ thống các tiêu chuẩn lao động quốc tế, có nhưng tiêu chuẩn được gọi là tiêu chuẩn “cash standards” (phân biệt với “core standards”), ví dụ như tiêu chuẩn về tiền lương tối thiểu, về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, về bảo hiểm xã hội… Việc thi hành những tiêu chuẩn này sẽ phát sinh chi phí cho người sử dụng lao động, do vậy việc thi hành chúng phụ thuộc rất nhiều vào điều kiện kinh tế – xã hội ở mỗi quốc gia khác nhau. Ngược lại, việc thi hành các TCLĐQTCB không làm phát sinh chi phí, không làm tăng giá thành lao động và không làm ảnh hưởng đến người sử dụng lao động.
Thứ tư, các TCLĐQTCB có tính bắt buộc chung (35). Đối với các tiêu chuẩn lao động quốc tế khác được quy định trong các Công ước và khuyến nghị của ILO, một quốc gia chỉ có nghĩa vụ bắt buộc thi hành sau khi đã phê chuẩn Công ước, đối với khuyến nghị, quốc gia không có nghĩa vụ bắt buộc thi hành. Trong trường hợp của các TCLĐQTCB, mọi quốc gia thành viên của ILO có nghĩa vụ tôn trọng, thúc đẩy và ghi nhận ngay cả khi thành viên đó chưa phê chuẩn các Công ước tương ứng của ILO. Cơ sở cho việc áp dụng nghĩa vụ này là bởi vì, theo quan điểm của ILO, các TCLĐQTCB là các tiêu chuẩn tối thiểu và có thể áp dụng cho mọi quốc gia, không phụ thuộc vào điều kiện kinh tế – xã hội, trình độ phát triển của quốc gia. Các TCLĐQTCB không tạo ra một mức độ mới của tiền lương, điều kiện an toàn vệ sinh lao động, chế độ bảo hiểm xã hội (38)…
Thứ năm, các TCLĐQTCB được theo dõi, giám sát thực hiện theo một cơ chế đặc biệt. Cơ chế này yêu cầu mọi quốc gia thành viên của ILO, ngay cả khi quốc gia thành viên đó chưa phê chuẩn các Công ước tương ứng, có nghĩa vụ nộp Báo cáo quốc gia hàng năm cho ILO. Báo cáo quốc gia này phải nêu rõ các biện pháp mà quốc gia thành viên đó đã thực hiện để thúc đẩy việc thực hiện các TCLĐQTCB tại quốc gia mình. Báo cáo này được Hội đồng điều hành (Governing Body) của ILO xem xét. Văn phòng Lao động quốc tế (International Labour Office) có thể thành lập một nhóm chuyên gia để nghiên cứu Báo cáo hàng năm của các quốc gia, từ đó nhóm chuyên gia này sẽ đưa ra các nhận xét và đánh giá của mình bằng văn bản. Bên cạnh đó, Tổng giám đốc của ILO (General Director) có nhiệm vụ làm Báo cáo toàn cầu hàng năm về việc thực hiện các TCLĐQTCB để trình cho Hội nghị Lao động quốc tế (International Labour Conference). Từ năm 2000, sau khi Tuyên bố về Các nguyên tắc và Quyền cơ bản tại nơi làm việc được ILO thông qua năm 1998, mỗi năm Tổng giám đốc ILO có một Báo cáo toàn cầu đánh giá việc thực hiện một nhóm TCLĐQTCB.
Nguồn tham khảo: https://icdeducation.vn/tin-tuc/cac-tieu-chuan-lao-dong-quoc-te-co-ban.html