Vấn đề dân số già ở Nhật Bản và một số kinh nghiệm đối với Việt Nam
![Nghỉ hưu có phải đóng BHXH](https://luatlaodong.com.vn/wp-content/uploads/2023/01/Nghi-huu-co-phai-dong-BHXH-nua-khong.jpg.webp)
Bài viết trong khuôn khổ Hội thảo “DÂN SỐ VÀ PHÁT TRIỂN Ở VIỆT NAM HIỆN NAY – MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN” được tổ chức tại Trường Đại học Luật Hà Nội
Tóm tắt:
Già hóa dân số là một trong những hiện tượng xã hội có tính tái cấu trúc nhất của thế kỷ[1] . Trong một báo cáo năm 2018, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) dự đoán dân số thế giới sẽ già đi và tỷ lệ người từ 60 tuổi trở lên sẽ tăng gần gấp đôi từ 12% lên 22% trong khoảng thời gian từ 2015 đến 2050. Đến năm 2050, dân số từ 60 tuổi trở lên là khoảng 434 triệu. Ở thời điểm hiện tại, thế giới đang trải qua sự thay đổi nhân khẩu học mạnh mẽ và không quốc gia nào tránh khỏi hậu quả của tình trạng già hóa dân số. Tuổi thọ tăng lên và tỷ lệ sinh giảm đều là những yếu tố sẽ có tác động rất lớn đến các thế hệ tương lai. Trong số các quốc gia được đánh giá là có tốc độ già hóa dân số nhanh, Nhật Bản được coi là bị tác động nhiều nhất. Quốc gia này có tỷ lệ người cao tuổi cao nhất so với bất kỳ quốc gia nào trên thế giới. Xu hướng nhân khẩu học này ở Nhật Bản đang làm thay đổi cuộc sống của người dân, tạo ra những trách nhiệm mới cho chính phủ và thay đổi các khía cạnh của đời sống xã hội Nhật Bản. Tuy vậy, Nhật Bản cũng được coi là quốc gia thích ứng và có chiến lược ứng phó chủ động với tình trạng già hóa dân số. Do đó, việc tham khảo kinh nghiệm của Nhật Bản là cần thiết trong bối cảnh Việt Nam cũng phải đối diện với thực tại này trong tương lai gần.
Từ khóa: già hóa dân số, lao động cao tuổi, người cao tuổi
- Khái quát chung về tình hình dân số già ở Nhật Bản
Nhật Bản theo tiếng Hán có nghĩ là “Mặt trời – 日本”, cho nên nước Nhật mới được gọi là đất nước mặt trời mọc. Với diện tích 377.972,28 km2 (xếp hạng 62 thế giới), trải dài từ bờ biển Okhotsk ở phía Bắc đến phía Nam biển Đông Hải của Trung Quốc. Phía Đông giáp với Hàn Quốc và Nga đã tạo cho Nhật Bản một địa thế giao thương thuận lợi. Đặc biệt, Nhật bản còn là đất nước có nhiều đảo nhất thế giới với gần 7.000 hòn đảo, trong đó có 5 đảo lớn nhất và có nhiều người sinh sống nhất là Honshu, Hokkaido, Kyushu, Shikoku và Okinawa. Quốc gia này được chia thành 47 tỉnh thuộc 8 vùng địa lý. Vùng thủ đô Tokyo là đại đô thị đông dân nhất thế giới.
Về kinh tế, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong quý II/2023 của nước này đạt 6%, cao hơn dự kiến và là mức tăng nhanh nhất kể từ quý IV/2020 nhờ tăng trưởng xuất khẩu mạnh mẽ. Động lực tăng trưởng chủ yếu được cho là nhờ hoạt động xuất khẩu ô tô và sự phục hồi của ngành du lịch sau đại dịch COVID-19. Xuất khẩu của Nhật Bản trong quý II/2023 đã tăng 3,2% so với quý trước, chủ yếu là nhờ lượng xe xuất khẩu tăng đột biến[2]. Tiêu dùng cá nhân chiếm hơn 50% GDP của nước này đang tăng trưởng mức vừa phải, dù lạm phát tăng với tốc độ nhanh nhất trong nhiều thập niên gần đây.
Về dân số, tính đến ngày 06/11/2023, dân số hiện tại của Nhật Bản là 124.892.191, chiếm 1,55% dân số thế giới. Mật độ dân số của Nhật Bản là 343 người/km2, trong đó khoảng 91,96% dân số sống ở thành thị. Trong năm 2023, dân số của Nhật Bản dự kiến sẽ giảm -503.523 người và đạt 124.810.411 người vào đầu năm 2024.
- Nguyên nhân dẫn đến tình trạng già hóa dân số ở Nhật Bản
Cuộc khủng hoảng nhân khẩu học của Nhật Bản là hậu quả của sự kết hợp của nhiều yếu tố, bao gồm:
Thứ nhất, tuổi thọ của người dân Nhật Bản cao
Tuổi thọ của người dân Nhật Bản đã tăng đều đặn trong vài thập kỷ qua. Năm 2019 là 87,45 tuổi đối với nữ và 81,41 đối với nam[3]. Tuổi thọ dự kiến sẽ đạt 84,95 tuổi đối với nam và 91,35 tuổi đối với nữ vào năm 2065. Tỷ lệ người từ 65 tuổi trở lên (tỷ lệ người già) cũng ngày càng tăng và thuộc hàng cao nhất thế giới, dự kiến sẽ đạt 33,3% vào năm 2036 và 38,4% vào năm 2065. Tuổi thọ trung bình khi sinh ở EU-27 ước tính là 81,0 vào năm 2018: 83,7 đối với nữ và 78,2 đối với nam. Một số yếu tố đã kết hợp để cải thiện sức khỏe của người dân Nhật Bản như thói quen ăn uống lành mạnh truyền thống, tiếp cận nước sạch, bảo hiểm y tế toàn dân (UHC), văn hóa ý thức vệ sinh và lối sống năng động của người già. Ngoài ra, sự phát triển kinh tế có liên quan đến các yếu tố chính làm giảm tỷ lệ tử vong ở người lớn tuổi ở các nước có thu nhập cao trong thế kỷ XX. Tuy nhiên, cuộc suy thoái kinh tế của Nhật Bản vào những năm 1990 không ngăn cản được tuổi thọ tiếp tục tăng trong và sau cuộc suy thoái. Một số địa phương kém phát triển về kinh tế như tỉnh Okinawa, nhưng vẫn giữ được thứ hạng về tuổi thọ cao nhất trong nhiều năm. Những lời giải thích khác có thể bao gồm di truyền, mức độ bất bình đẳng thu nhập thấp và mức độ gắn kết xã hội cao.
Thứ hai, tỷ lệ sinh tại Nhật Bản thấp
Tỷ lệ sinh của Nhật Bản bắt đầu giảm vào những năm 1970 và đạt mức tối thiểu vào năm 2005 (1,26), sau đó tăng trở lại, mặc dù chưa bao giờ đạt đến mức thay thế. Năm 2016 nó bắt đầu giảm trở lại (tỷ lệ là 1, 36 vào năm 2019). Gia tăng dân số tự nhiên được dự báo là âm vì số lượng sinh sẽ ít hơn số người chết đến -761.114 người. Tỷ lệ sinh của Nhật Bản đạt mức thấp kỷ lục vào năm 2022 (1, 2565), thấp hơn nhiều so với tỷ lệ 2, 07 được coi là cần thiết để duy trì dân số ổn định. Độ tuổi kết hôn lần đầu ngày càng tăng và tỷ lệ kết hôn giảm. theo thống kê vào năm 2015, tỷ lệ người chưa từng kết hôn ở độ tuổi 50 đạt mức cao kỷ lục là 23,4% đối với nam và 14,1% đối với nữ. Điều này đã góp phần khiến tỷ lệ sinh ở Nhật Bản thấp hơn vào năm 2018. Đại dịch Covid 19 không chỉ dẫn đến nhiều ca tử vong hơn mà còn dẫn đến ít cuộc hôn nhân và sinh con hơn[4]. Bên cạnh đó, cơ hội việc làm dành cho nam thanh niên ngày càng suy giảm. Điều này ảnh hưởng đến khả năng ổn định cuộc sống, bao gồm cả cơ hội kết hôn. Một bộ phận phụ nữ Nhật Bản có xu hướng tìm kiếm đàn ông có việc làm ổn định và trình độ học vấn cao hơn họ. Bên cạnh đó, văn hóa làm việc của Nhật Bản cũng là yếu tố gây ảnh hưởng tới tỷ lệ sinh thấp do thời gian làm việc kéo dài cùng với căng thẳng và mệt mỏi. Tuy nhiên, vấn đề chính còn có thể ở sự tồn tại quan niệm phân chia nhiệm vụ theo giới tính truyền thống trong gia đình. Theo đó, phụ nữ chịu trách nhiệm chính trong việc chăm sóc con cái và làm các công việc tại nhà trong khi họ có thể vẫn phải đi làm. Hơn nữa, người sử dụng lao động không muốn công nhận quyền của người cha được nghỉ phép để chăm sóc con cái. Pháp luật Nhật Bản đã cho phép các ông bố được nghỉ phép có lương tới một năm để chăm sóc con cái tương tự như đối với những bà mẹ mới sinh con. Tuy nhiên, tỷ lệ tham gia của nam giới ở Nhật Bản lại thấp: khoảng 7%, thường kéo dài chưa đầy hai tuần[5].
- Những tác động của già hóa dân số tại Nhật Bản
Mặc dù Nhật Bản đã thành công trong việc duy trì tương đối ổn định xã hội và nâng cao mức sống, các nhà phân tích cho rằng nhân khẩu học đã cản trở sự tăng trưởng kinh tế của đất nước. Theo Yi Fuxian, nhà khoa học tại Đại học Wisconsin-Madison, cuộc khủng hoảng kinh tế của Nhật Bản thực chất là một cuộc khủng hoảng nhân khẩu học. Số lượng người trẻ trong lực lượng lao động giảm đã dẫn đến tình trạng thiếu lao động trong ngành sản xuất và sự già hóa của lực lượng lao động đã gây ra sự suy giảm trong sản xuất và đổi mới, và do đó làm giảm tỷ trọng xuất khẩu hàng chế tạo của Nhật Bản trong tổng xuất khẩu toàn cầu. Vào tháng 11 năm 2018, một bài báo của nhân viên Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ước tính rằng tăng trưởng kinh tế của Nhật Bản sẽ giảm trung bình 0,8% mỗi năm trong 40 năm tới chỉ do nhân khẩu học.
Do dân số Nhật Bản đang già đi nên vấn đề thiếu hụt lao động cũng là vấn đề đặt ra. Kể từ khi người già nghỉ hưu và rời bỏ nơi làm việc, thế hệ trẻ khôngđủ để đáp ứng sự thiếu hụt này do tỷ lệ sinh thấp. Các công ty công nghiệp lớn sản xuất ô tô và điện tử không có lực lượng lao động để tiếp tục sản xuất ở mức sản xuất hiện tại. Như vậy, đất nước có thể mất vị thế là một trong những nền kinh tế và dẫn đầu thị trường lớn nhất thế giới. Trong những năm 1980-1990, tình trạng thiếu lao động khiến nhiều công ty Nhật Bản tăng tuổi nghỉ hưu bắt buộc từ 55 lên 65 và cho phép người lao động làm việc sau khi nghỉ hưu. Dự kiến đến năm 2040, nước này có thể thiếu 11 triệu người lao động.
Ngoài ra, tình trạng già hóa dân số sẽ gây ra những biến đổi xã hội ở Nhật Bản. Xã hội Nhật Bản có giá trị truyền thống là chăm sóc người già, con trai cả có trách nhiệm chăm sóc cha mẹ già. Ở Nhật Bản còn có một truyền thống khác là gia đình ba thế hệ (ông bà, cha mẹ, con cái), trong đó một cặp vợ chồng sẽ chăm sóc cả cha mẹ và con cái. Oi (2015) cho biết có 177.600 người trong độ tuổi từ 15 đến 29 chăm sóc các thành viên lớn tuổi trong gia đình của họ. Hơn nữa, do tuổi thọ của người cao tuổi Nhật Bản ngày càng tăng nên việc chăm sóc gia đình cho người già trở nên kém khả thi hơn[6]. Sự di cư của thanh niên từ nông thôn đến thành thị ở Nhật Bản đòi hỏi chính phủ phải thực hiện những hành động mới – đưa vào viện dưỡng lão và các chương trình chăm sóc sức khỏe đặc biệt cho người già. Mỗi năm cả nước đóng cửa 400 trường tiểu học và trung học để mở trung tâm chăm sóc người già. Bất chấp những khía cạnh tích cực của hệ thống chăm sóc xã hội này, tỷ lệ sinh thấp và tỷ lệ già hóa dân số tăng cao cho thấy một hiện tượng khác của “kodokushi”[7], có thể được hiểu là sự suy tàn của các giá trị truyền thống của Nhật Bản. Do đó, già hóa dân số làm thay đổi các chuẩn mực xã hội được thiết lập trong xã hội Nhật Bản.
Theo Tóm tắt chi tiêu chăm sóc y tế quốc gia do Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi biên soạn, chi phí y tế hàng năm trong năm tài chính 2020 là 340.000 JPY bình quân đầu người và là 1 triệu JPY/người cao tuổi. Theo nhóm tuổi tăng dần trong 5 năm, nhóm tuổi 65–69 có chi phí 490.000 JPY bình quân đầu người, trong khi nhóm trên 85 tuổi chi phí hơn 1 triệu JPY bình quân đầu người. Vì chi phí chăm sóc y tế tăng theo độ tuổi nên chi phí y tế quốc gia có thể sẽ tăng khi số lượng người cao tuổi tăng lên. Theo dự báo, đến năm 2025, Nhật Bản sẽ có 5,2 triệu người già cần được chăm sóc toàn thời gian[8]. Đồng thời, sẽ có ít phụ nữ trung niên chăm sóc họ hơn. Khả năng một người phụ nữ phải từ bỏ công việc toàn thời gian để chăm sóc cha mẹ già đang tăng lên nhanh chóng.
1.3 Một số biện pháp ứng phó với tình trạng già hóa dân số ở Nhật Bản
Để giải quyết hiệu quả những thách thức về chính sách công do già hóa dân số đặt ra sẽ đòi hỏi một danh mục tích hợp các sáng kiến bổ sung. Trong những năm qua, Nhật Bản đã đưa ra một loạt biện pháp tập trung vào những thách thức này. Ví dụ, Kế hoạch Thiên thần Mới[9] (1999) và Chính sách Plus One (2009) được thiết kế để giúp việc sinh con dễ dàng hơn thông qua các sáng kiến như phân bổ kinh phí cho các cơ sở chăm sóc trẻ em mới, giảm chi phí giáo dục và cải thiện nhà ở cho các gia đình. Một chương trình khác trong gói chính sách kinh tế toàn diện của Thủ tướng Abe, được gọi là Abenomics, nhằm mục đích tăng quy mô lực lượng lao động bằng cách khuyến khích sự tham gia của lực lượng lao động nữ. Gói Abenomics cũng bao gồm các chương trình tập trung vào đổi mới công nghệ như một cách để nâng cao năng suất (ví dụ bằng cách tăng hiệu quả và giảm thiểu lao động chân tay), giảm gánh nặng cho người chăm sóc (ví dụ thông qua vận chuyển không người lái hoặc trí tuệ nhân tạo) và giảm thiểu chi phí chăm sóc sức khỏe. Những thay đổi chính sách đáng chú ý khác bao gồm các chương trình đầu tư vào giáo dục trẻ em, giúp tăng số lượng trẻ em trong độ tuổi lao động và nới lỏng các hạn chế nhập cư của Nhật Bản, giúp tăng quy mô lực lượng lao động. Hơn nữa, để củng cố tính toàn vẹn của hệ thống an sinh xã hội, Nhật Bản đang dự tính tăng thuế tiêu dùng (mặc dù biện pháp này có thể được bù đắp nếu nó dẫn đến việc không khuyến khích làm việc hoặc gây ra sự bất bình đẳng giữa các thế hệ).
Để ứng phó với tình trạng dân số ngày càng già đi ở Nhật Bản, vào tháng 02/2018, Chính phủ đã phê duyệt “Hướng dẫn về các biện pháp cho xã hội già hóa”[10]. Hướng dẫn đưa ra các hướng dẫn cơ bản và toàn diện về các biện pháp công nhằm giải quyết vấn đề xã hội già hóa trung và dài hạn. Nhận thấy rằng người cao tuổi đang “trẻ hơn về mặt thể chất” và “có động lực cao để tham gia vào xã hội”, nên “Xu hướng chung xác định người trên 65 tuổi là người cao tuổi không còn thực tế nữa”. Hướng dẫn cho rằng ngay cả những người ở độ tuổi 70 trở lên cũng có thể chứng tỏ khả năng dựa trên động lực làm việc và tài năng của họ. Vì vậy, cần phải phát triển một môi trường xã hội trong đó người cao tuổi được phép thể hiện khả năng kết hợp với ý tưởng “hỗ trợ người cao tuổi”. Hướng dẫn liệt kê ba ý tưởng cơ bản sau đây đằng sau các biện pháp nhằm hỗ trợ người cao tuổi xã hội già hóa: i) Xem xét tiêu chuẩn hóa theo độ tuổi và hướng tới tạo ra “xã hội không tuổi” (Age-free society). Mọi người ở mọi lứa tuổi khác nhau đều có thể làm việc, cống hiến, đóng góp cho xã hội tùy theo khả năng của họ; ii) Phát triển nền tảng cuộc sống cộng đồng, tại địa phương nơi mọi người có thể hình dung về cuộc sống về già ở bất kỳ giai đoạn nào trong cuộc đời; iii) Áp dụng các thành tựu công nghệ nhằm đối phó với già hóa dân số.
Ngoài ra, việc cải cách an sinh xã hội cũng là giải pháp ứng phó với già hóa dân số hiệu quả. Ngay từ những năm 50 của thế kỷ XX, trọng tâm của an sinh xã hội là mở rộng các chương trình bảo hiểm y tế và bảo hiểm hưu trí cho mọi người dân Nhật Bản. Phạm vi phủ sóng bắt đầu từ các công ty lớn, khu vực công và cộng đồng địa phương nhưng những người lao động trong ngành công nghiệp nhỏ và gia đình họ bị bỏ lại phía sau. Bảo hiểm toàn dân cuối cùng đã đạt được vào năm 1961 khi GDP bình quân đầu người là 563 USD. Vào thời điểm đó, tuổi thọ trung bình của nữ là 70,2 tuổi và nam là 66,0, độ tuổi trung bình của dân số Nhật Bản là 28 tuổi. Đạo luật Phúc lợi cho Người cao tuổi được ban hành vào năm 1963, nhằm mở rộng hỗ trợ xã hội cho những người cao tuổi có nhu cầu. Theo cơ chế đồng chi trả của bảo hiểm y tế, người nhận dịch vụ phải trả 30% chi phí mỗi lần nhận dịch vụ (70% còn lại do người cung cấp dịch vụ yêu cầu trực tiếp cho cơ quan bảo hiểm). Áp lực chính trị ngày càng gia tăng khiến khoản đồng thanh toán 30% không khuyến khích người cao tuổi tiếp cận các dịch vụ đã khiến chính phủ miễn khoản đồng thanh toán cho người cao tuổi trên 70 tuổi vào năm 1973. Kế hoạch này được đánh giá là khả thi vào thời điểm đó, khi nền kinh tế còn mạnh và tỷ trọng người cao tuổi chỉ dưới 10%. Khi tỷ lệ người cao tuổi tăng lên gần 10%, chính phủ bắt đầu nêu lên mối lo ngại về xu hướng chi tiêu y tế ngày càng tăng. Một kết quả quan trọng là việc ban hành Đạo luật Dịch vụ Y tế và sức khỏe dành cho người cao tuổi vào năm 1982. Đạo luật này có hai hợp phần: nâng cao sức khỏe sau tuổi 40 và cơ chế cân bằng tài chính để hỗ trợ các cơ quan bảo hiểm y tế, đặc biệt là các cơ quan bảo hiểm dựa vào cộng đồng thanh toán các hóa đơn y tế của người cao tuổi.
- Một số bài học của Nhật Bản nhằm ứng phó với tình hình dân số già của Nhật Bản và kinh nghiệm đối với Việt Nam
Việt Nam bắt đầu giai đoạn già hóa dân số từ năm 2011 và có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới. Tỷ lệ dân số trên 60 tuổi ở Việt Nam năm 2022 là 12% và đến năm 2050 ước khoảng 28% dân số. Theo dự báo, số người cao tuổi của Việt Nam sẽ tăng lên 16,8 triệu người vào năm 2039 và đạt 25,2 triệu người vào năm 2069. Việt Nam sẽ bước vào thời kỳ dân số già từ năm 2036 (14,2%). Sau 20 năm (2036-2055), Việt Nam sẽ bước vào thời kỳ dân số siêu già. Tỷ trọng nhóm dân số già năm 2056 và năm 2069 lần lượt chiếm 21,1% và 21,5%. Nếu như năm 2019, cứ 2 trẻ em thì có một người cao tuổi thì 50 năm sau (năm 2069), cứ 2 trẻ em sẽ có 3 người cao tuổi[11].
Già hóa dân số mang đến cả cơ hội và thách thức cho sự phát triển kinh tế – xã hội. Về cơ hội, già hóa dân số có thể thúc đẩy sự phát triển các lĩnh vực như bảo hiểm, ngân hàng, dinh dưỡng, du lịch, đổi mới công nghệ và ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất hoặc quản lý trong bối cảnh thiếu lực lượng lao động… Tuy nhiên, già hóa dân số cũng đặt ra những thách thức nghiêm trọng về tăng trưởng kinh tế, an sinh xã hội, lao động, thiết kế cơ sở hạ tầng… đặc biệt là trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe. Người cao tuổi thường mắc nhiều bệnh không lây nhiễm cần điều trị suốt đời như huyết áp, tim mạch, đái tháo đường, sa sút trí tuệ…Trên cơ sở phân tích về tình hình già hóa dân số ở Nhật Bản và các giải pháp ứng phó với tình hình già hóa dân số tại Nhật Bản, Việt Nam có thể cân nhắc áp dụng một số giải pháp sau:
Thứ nhất, hoàn thiện các quy định về lao động cao tuổi
Vấn đề già hóa dân số ở Nhật đang tạo gánh nặng cho nền kinh tế; vì vậy giải pháp được đưa ra đó là những phụ nữ và người già phải tham gia nhiều hơn vào thị trường lao động để giảm bớt gánh nặng này. Thay vì chỉ giữ vai trò chăm sóc gia đình như những thế hệ trước, phụ nữ và người già ở Nhật Bản đã bắt đầu đi làm vừa cải thiện hơn về tài chính, vừa đóng góp tích cực hơn cho nền kinh tế Quốc gia.Theo Điều 3 của Luật Người cao tuổi quy định quyền của người cao tuổi được Nhà nước tạo điều kiện làm việc phù hợp với sức khỏe, nghề nghiệp và các điều kiện khác để phát huy vai trò người cao tuổi. Điều 148 Bộ luật Lao động năm 2019: “Nhà nước khuyến khích sử dụng người lao động cao tuổi làm việc phù hợp”. Tuy nhiên khi nghiên cứu các quy định về lao động cao tuổi, tác giả cho rằng còn một số bất cập trong việc nhận diện lao động cao tuổi, bảo vệ quyền lợi ích của người lao động cao tuổi. Để tạo ra hành lang pháp lý để khuyến khích lao động cao tuổi làm việc, cống hiến thì cần thiết sẽ phải cân nhắc sửa đổi một số quy định về lao động cao tuổi như:
– Thống nhất các thuật ngữ “người cao tuổi”, “người nghỉ hưu” và “người lao động cao tuổi”. Hiện nay, theo quy định của Luật Người cao tuổi thì, “người cao tuổi” được hiểu là người từ đủ 60 tuổi trở lên. Tuy nhiên, quy định của Bộ luật lao động 2019, người lao động cao tuổi là người tiếp tục làm việc sau độ tuổi nghỉ hưu.
– Có chính sách hỗ trợ đối với doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động cao tuổi, bởi một trong những tiêu chí đánh giá chỉ số trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp là tỉ lệ sử dụng lao động cao tuổi, lao động khuyết tật,… qua đó thấy được sự phát triển của mỗi doanh nghiệp và những đóng góp cho xã hội của doanh nghiệp đó.
– Quy định cụ thể hơn về chính sách an sinh xã hội đối với người lao động cao tuổi, bao gồm: (i) Tăng cường cơ hội có việc làm, bảo đảm thu nhập tối thiểu và giảm nghèo bền vững cho người lao động yếu thế, người lao động cao tuổi thông qua hỗ trợ cá nhân và hộ gia đình phát triển sản xuất, hỗ trợ tín dụng, giải quyết việc làm và kết nối thông tin thị trường lao động; (i) Mở rộng cơ hội cho người lao động tham gia hệ thống chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp để chủ động đối phó khi thu nhập bị suy giảm hoặc bị mất do các rủi ro, ốm đau, tai nạn lao động, tuổi già. (iii) Hỗ trợ thường xuyên đối với người có hoàn cảnh đặc thù và hỗ trợ đột xuất cho người dân khi gặp các rủi ro không lường trước hoặc vượt quá khả năng kiểm soát (mất mùa, thiên tai, động đất, chiến tranh, đói nghèo,…) thông qua các khoản tiền mặt và hiện vật do ngân sách nhà nước bảo đảm; và (iv) Tăng cường tiếp cận của người dân đến hệ thống dịch vụ xã hội cơ bản, như giáo dục, y tế, nhà ở, nước sạch và vệ sinh môi trường, thông tin.
Thứ hai, khuyến khích các gia đình trẻ sinh con.
Mức sinh là một trong những yếu tố quan trọng ảnh hưởng quy mô và cơ cấu dân số tại một quốc gia. Mức sinh vừa là yếu tố tác động, vừa là yếu tố phản ánh mức độ phát triển kinh tế-xã hội của một quốc gia. Theo Tổng cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình, trong vòng 30 năm qua, mức sinh của Việt Nam đã giảm gần một nửa, từ tổng tỷ suất sinh (TFR) là 3,80 con/phụ nữ vào năm 1989 xuống còn 2,09 con/phụ nữ vào năm 2019, góp phần làm giảm tốc độ tăng dân số trong thời gian qua[12]. Nhiều năm qua, Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản về công tác dân số: Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 15/10/2017 về Công tác dân số trong tình hình mới; Nghị quyết 137 NQ-CP của chính phủ ngày 30/12/2017 về kế hoạch thực hiện Nghị quyết 21 –NQ/TW; Chiến lược dân số Việt Nam đến năm 2030 được Chính phủ phê duyệt theo quyết định 1679 /QĐ-TTg ngày 22/11/2019; quyết định 588/QĐ-TTg phê duyệt “Chương trình điều chỉnh mức sinh phù hợp các vùng, đối tượng đến năm 2030” ngày 28/4/2020…
Việt Nam đang trong quá trình già hóa dân số, nhưng thời kỳ dân số vàng vẫn còn kéo dài đến giai đoạn 2037 – 2040. Việt Nam cần tận dụng thời cơ dân số vàng để cải thiện, nâng cao năng suất lao động, vì cơ hội này sẽ không quay trở lại, nếu có phải ít nhất 100 – 200 năm sau. Đây cũng là cơ hội để tăng cường đầu tư, nâng cao chất lượng dân số, chất lượng đào tạo nguồn nhân lực. Để kéo dài và phát huy lợi thế của cơ cấu dân số vàng, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó, duy trì mức sinh hợp lý vẫn là giải pháp hữu hiệu nhất nhằm làm chậm quá trình già hóa dân số. Nhiều quốc gia đã và đang triển khai hệ thống các chính sách nhằm khuyến khích thanh niên kết hôn và sinh con như hỗ trợ về tài chính một lần cho các gia đình khi sinh con; hỗ trợ y tế chăm sóc sức khoẻ bà mẹ. Một số quốc gia còn đưa ra chính sách hỗ trợ một phần chi phí học tập cho các gia đình trẻ khi con cái đến tuổi đi học tiểu học; một số thành phố đưa ra chính sách chăm sóc y tế miễn phí cho trẻ em đến trên 7 tuổi, bao gồm cả các chi phí liên quan đến nha khoa[13]. Chính sách này cũng tương tự như Nhật Bản. Hiện nay Nhật Bản đang triển khai nhiều chính sách để tăng tỷ lệ sinh và khuyến khích phụ nữ sinh thêm con. Nổi bật là huy động ngân sách và các nguồn lực xã hội để hỗ trợ chi phí chăm sóc toàn diện cho phụ nữ khi mang thai, sinh con, nuôi con nhỏ. Cùng với đó, Nhật Bản cũng cải thiện chế độ nghỉ chăm sóc con nhỏ cho cả nam và nữ, phụ nữ có thể nghỉ trước khi sinh 8 tuần, những cặp vợ chồng sinh con có thể nghỉ phép sau sinh 1 năm và được hưởng 67% tiền lương.
Thứ ba, tăng cường chuyển đổi số chăm sóc sức khỏe người cao tuổi
Trong mối quan hệ được cho là tương hỗ, già hóa dân số và chuyển đổi số có những đã thúc đẩy sự an toàn cho người lớn tuổi ở các hệ thống chăm sóc sức khỏe tại thành thị; chuyển đổi chất lượng dịch vụ và hỗ trợ quản trị chất lượng tại các cơ sở y tế (một trong số các ứng dụng có thể kể đến: hệ thống liên hệ điều dưỡng); nâng cao chất lượng sức khỏe tinh thần từ đó nâng cao chất lượng cuộc sống. Hiện nay, Việt Nam đã thực sự trỗi dậy trong lĩnh vực công nghệ thông tin với hệ thống internet được phủ rộng khắp cả nước. Mạng 4G và 5G phát triển nhanh chóng. Như một hệ quả, khả năng truy cập vào hệ thống internet ngày càng cao, với tỉ lệ truy cập đạt 67% với tốc độ tăng trưởng hằng năm đạt 28%. Tốc độ tăng trưởng này thuộc nhóm cao nhất trên thế giới.
Nhật Bản đã có rất nhiều giải pháp công nghệ cao dành cho dân số già. Panasonic đã phát triển một chiếc xe tập đi thông minh sử dụng thuật toán trí tuệ nhân tạo để giúp người dùng di chuyển và độc lập lâu nhất có thể. Dịch vụ An ninh Sohgo, hay còn gọi là ALSOK, đã tạo ra các thiết bị điện tử cỡ ngón tay cái có thể giúp theo dõi những bệnh nhân sa sút trí tuệ có khả năng đi lang thang khỏi nhà hoặc cơ sở chăm sóc của họ — một công cụ hữu ích tiềm năng trong bối cảnh ngày càng có nhiều người mất tích do chứng mất trí nhớ. Tại viện dưỡng lão Shintomi ở Tokyo, những người chăm sóc đang làm việc với 20 mẫu robot khác nhau, bao gồm Pepper của SoftBank Robotics, Aibo của Sony và Paro của Hệ thống thông minh, để cải thiện chất lượng chăm sóc cho người dân. Một ví dụ khác là DFree, một cảm biến đeo được được phát triển bởi Triple W Japan có trụ sở tại Tokyo. Được thiết kế dành cho những người mắc chứng tiểu không tự chủ, Dfree gắn vào cơ thể và sử dụng sóng siêu âm để phát hiện những thay đổi của bàng quang. Bằng cách liên kết với các thiết bị thông minh, nó sẽ cảnh báo người dùng khi nào họ nên đi vệ sinh; doanh số bán DFree Personal, dành cho người dùng hàng ngày không ở viện dưỡng lão, bắt đầu vào mùa hè năm 2018.
Hiện nay, có nhiều lĩnh vực tiềm năng trong việc cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi. Trong khám chữa bệnh, có thể tập trung vào việc cải thiện khả năng đưa ra quyết định thông qua các tiến bộ kỹ thuật ví dụ như hệ thống hỗ trợ đưa ra quyết định trong chẩn đoán lâm sàng cũng như đưa ra các mô hình dự đoán và phân tích nhận thức. Tiếp đến, công nghệ cao như dữ liệu lớn, phân tích dữ liệu và trí tuệ nhân tạo cũng có nhiều tiềm năng trong việc cải thiện việc đưa ra quyết định y khoa. Ngoài ra, công nghệ robotics đã và đang được chuyển giao cho một số bệnh viện được chọn lọc tại Việt Nam. Về thực trạng chăm sóc sức khỏe thể chất có ứng dụng công nghệ số tại Việt Nam, hiện nay nước ta đã xây dựng hệ thống quản lý thông tin sức khỏe cho người bệnh, ví dụ như trung tâm dữ liệu về chăm sóc sức khỏe quốc gia, hệ thống chăm sóc sức khỏe thông minh, hồ sơ y tế, hệ thống quản lý chăm sóc sức khỏe cộng đồng, sáng kiến về Chính phủ điện tử, xác thực điện tử, dịch vụ công cộng online và hệ thống quản lý y khoa thông minh.
Thứ tư, cần tăng cường vai trò và năng lực của các tổ chức chính trị – xã hội, chính trị – xã hội – nghề nghiệp và các loại hình câu lạc bộ dành cho người cao tuổi trong việc xây dựng, vận động và thực hiện chính sách cho già hóa dân số.
Các hoạt động vận động gia đình, cộng đồng và toàn xã hội tham gia chăm sóc người cao tuổi cần được thúc đẩy và nhân rộng; cần kết hợp với các cơ quan chuyên môn trong nghiên cứu và đề xuất việc đa dạng hóa cách thức, mô hình tổ chức cuộc sống cho người cao tuổi như sống cùng con cháu, sống tại nhà dưỡng lão hoặc tại các cơ sở chăm sóc người cao tuổi tại cộng đồng… Nhân rộng mô hình câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau trên quy mô cả nước, góp phần chăm sóc và phát huy vai trò của người cao tuổi, trong gia đình và xã hội…Ngoài ra, việc duy trì, mở rộng và phát triển các mối liên hệ, kết nối giữa các thế hệ trong gia đình và giao lưu xã hội. Do đó, hỗ trợ các biện pháp giúp cho người cao tuổi giao lưu trong gia đình và ngoài xã hội là rất cần thiết nhằm giảm bớt sự cô đơn và cải thiện được tình trạng sức khỏe tinh thần của họ.
Thứ năm, nâng cao nhận thức về già hóa dân số
Với việc phát triển của công nghệ hiện nay, việc cung cấp thông tin dân số được Nhật Bản thực hiện khá thiết thực. Các số liệu, tình trạng dân số được cập nhật cụ thể, qua đó khuyến khích người trẻ kết hôn. Các chương trình truyền hình, các sân chơi giúp người trẻ gặp gỡ, tìm hiểu nhau cũng được ủng hộ rất nhiều. Quan trọng hơn hết là truyền bá các tư tưởng tiến bộ, các hoạt động giúp tăng dân số, cải thiện tỉ lệ sinh con. Nhà nước cũng thông báo kịp thời và toàn diện những chính sách được thông qua để giảm sự già hóa dân số trong cả nước.
Tại Việt Nam, để ứng phó với già hóa dân số cần tăng cường thay đổi trong nhận thức và các quy định về kết hôn và sinh con trong nhóm dân số trẻ để bảo đảm mức sinh thay thế trong dân số quốc gia; đồng thời cần đẩy mạnh những thói quen sức khỏe lành mạnh, bảo đảm các cơ hội về giáo dục và việc làm, tiếp cận các dịch vụ y tế và bao phủ an sinh xã hội cho tất cả những người lao động để từng bước cải thiện cuộc sống của họ khi về già bằng việc thực hiện đa dạng các giải pháp, nhất là về truyền thông; giải quyết vấn đề việc làm và nhà ở… Từ đó góp phần bảo đảm thực hiện thành công mục tiêu trung bình mỗi cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ (15-49) sinh đủ hai con, bảo đảm mức sinh thay thế bền vững của đất nước. Quy mô gia đình 2 con phải trở thành chuẩn mực, giá trị hướng đến của toàn xã hội.
Kết luận:
“Già hóa dân số” là một xu hướng mang tính toàn cầu[14]. Sự thay đổi nhân khẩu học này xảy ra ở Việt Nam không chỉ nhờ giảm tỷ lệ tử vong và tăng tuổi thọ, mà phần lớn là do giảm mạnh tỷ lệ sinh. Tỷ lệ sinh giảm trong những thập kỷ qua đã tác động rất lớn tới cơ cấu dân số của Việt Nam, làm đẩy nhanh tốc độ già hóa dân số. Dân số toàn cầu già đi đồng nghĩa nhu cầu an sinh xã hội với người cao tuổi ngày càng tăng. Trong khi, thực tế chi tiêu công ở hầu hết các quốc gia không đủ để đáp ứng nhu cầu chăm sóc ngày càng tăng ở nhóm người cao tuổi. Tại Việt Nam, thời kỳ dân số già sẽ kéo dài khoảng hơn 20 năm, từ năm 2036 – 2055. Sau giai đoạn này, từ năm 2056 – 2069, Việt Nam sẽ có cơ cấu dân số “siêu già”, tương ứng với tỉ trọng dân số từ 65 tuổi trở lên chiếm trên 21%. Để ứng phó với thực trạng này, Việt Nam đã và đang tính đến những nhiệm vụ, giải pháp, điều kiện thích ứng với dân số già. Bài học kinh nghiệm và thực tiễn từ Nhật Bản sẽ là nguồn “tư liệu tham khảo” quý báu, giúp Việt Nam đưa ra những biện pháp cụ thể để ứng phó với tình trạng già hóa dân số đang diễn ra./.
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Robert L., Matsukura, Rikiya và Ogawa, Naohiro (2014). Chuyển đổi hưu trí ở Nhật Bản. Link truy cập: https://siepr.stanford.edu/sites/default/files/publications/14-013_0.pdf.
- H.Hà. Kinh tế Nhật Bản tăng trưởng nhanh nhất kể từ năm 2020. Nguồn truy cập: https://dangcongsan.vn/the-gioi/tin-tuc/kinh-te-nhat-ban-tang-truong-nhanh-nhat-ke-tu-nam-2020-644222.html
- Phí Vĩnh Tường, Ứng phó với già hoá dân số: kinh nghiệm quốc tế và bài học cho Việt Nam. Link truy cập: https://tuyengiao.vn/van-hoa-xa-hoi/xa-hoi/ung-pho-voi-gia-hoa-dan-so-kinh-nghiem-quoc-te-va-bai-hoc-cho-viet-nam-142151
- NDO, Hệ lụy từ việc giảm mức sinh thay thế. Link truy cập: https://nhandan.vn/he-luy-tu-viec-giam-muc-sinh-thay-the-post747454.html
- Sanderson, Sertan (2018). Japan Plans to Raise Pension Age Beyond 70.Link truy cập: https://www.dw.com/en/japan-plans-to-raise-pension-age-beyond-70/a-42629344
[1] Robert L., Matsukura, Rikiya và Ogawa, Naohiro (2014). Chuyển đổi hưu trí ở Nhật BảnNguồn truy cập: https://siepr.stanford.edu/sites/default/files/publications/14-013_0.pdf .
[2] https://dangcongsan.vn/the-gioi/tin-tuc/kinh-te-nhat-ban-tang-truong-nhanh-nhat-ke-tu-nam-2020-644222.html
[3] https://www.europarl.europa.eu/RegData/etudes/BRIE/2020/659419/EPRS_BRI(2020)659419_EN.pdf
[4] Số ca mang thai được thông báo trong 3 tháng tính đến tháng 7 năm 2020 đã giảm 11,4% so với một năm trước đó, trong khi số lượng kết hôn trong cùng thời kỳ giảm 36,9%.
[5] https://www.europarl.europa.eu/RegData/etudes/BRIE/2020/659419/EPRS_BRI(2020)659419_EN.pdf
[6]https://www.eurasian-research.org/publication/the-consequences-of-population-ageing-in-japan/
[7] Ngôn ngữ Nhật Bản gọi những người này là kodokushi hoặc koritsushi, dokkyoshi, 3 từ đồng nghĩa có nghĩa “chết một mình”, “chết trong cô độc”. Từ thập niên 1970, Nhật Bản đã xuất hiện khái niệm “kodokushi”. Khái niệm này chỉ những người tử vong ngay tại nơi cư trú mà phải mất một thời gian dài, có khi lên đến trên nửa năm, mới được phát hiện.
[8] David E. Horlacher and Landis MacKellar, Population ageing in Japan: policy lessons for South-East Asia, Asia-Pacific Development Journal Vol. 10, No. 1, June 200
[9] The New Angel Plan
[10] Tiếng Anh: Guideline of Measures for Ageing Society
[11] https://tuyengiao.vn/van-hoa-xa-hoi/xa-hoi/chia-se-kinh-nghiem-thich-ung-voi-gia-hoa-va-cham-soc-nguoi-cao-tuoi-giua-nhat-ban-va-viet-nam-146185
[12] https://nhandan.vn/he-luy-tu-viec-giam-muc-sinh-thay-the-post747454.html
[13] https://tuyengiao.vn/van-hoa-xa-hoi/xa-hoi/ung-pho-voi-gia-hoa-dan-so-kinh-nghiem-quoc-te-va-bai-hoc-cho-viet-nam-142151
[14] https://dangcongsan.vn/the-gioi/nhung-van-de-toan-cau/gia-hoa-dan-so-thach-thuc-lon-doi-voi-nhieu-nuoc-chau-a-647727.html